Châu Âu đã phải chịu thêm áp lực trọng việc đảm bảo nguồn cung khí đốt sau khi Nga áp lệnh trừng phạt lên các công ty con của Gazprom thuộc sở hữu châu Âu.
Ngừng cung cấp khí đốt cho một vài nơi
Giá nhiên liệu tại châu Âu đã tăng cao, khoảng 12% so với tiêu chuẩn trước đây trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng lo ngại về vấn đề nguồn cung vì châu Âu đã phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu Nga. Được biết, kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, các nước châu Âu đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nặng nề nhằm vào nền kinh tế Nga. Đáp lại, Moscow đã yêu cầu những nước mua nhiên liệu phải thanh toán bằng đồng Rúp của Nga và doạ sẽ cắt nguồn cung với những nước không chấp nhận điều kiện này.
Theo đó, Bulgaria và Ba Lan là quốc gia châu Âu đầu tiên bị Nga cắt nguồn cung khí đốt và đang chạy đua để tìm cách lấp đầy kho dự trữ nhiên liệu trước khi mùa đông tới.
Ngày 11/5 (giờ địa phương), Nga tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty con của Gazprom thuộc quyền sở hữu các nước châu Âu bao gồm Gazprom Germania, doanh nghiệp kinh doanh, lưu trữ và vận chuyển nhiên liệu mà Berlin đã uỷ thác hồi tháng trước để đảm bảo nguồn cung khí đốt.
Moscow cũng đã trừng phạt một phần vận chuyển qua Ba Lan của đường ống Yamal-Europe, đường ống này đóng vai trò đưa dầu từ Nga tới châu Âu.
Các đối tượng bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt, được liệt kê trên trang web của chính phủ Nga, phần lớn có trụ sở tại các quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, hầu hết đều là thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
Đức, đối tác mua nhiên liệu hàng đầu của Nga tại châu Âu, cho biết một vài công ty con của Gazprom Germania đã không nhận được khí đốt kể từ khi lệnh trừng phạt được áp dụng.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck phát biểu trước Bundestag (Hạ viện): “Gazprom và các công ty con của họ đều bị ảnh hưởng. Điều này có nghĩa là một số công ty con sẽ không nhận được thêm khí đốt từ Nga. Nhưng thị trường đang đưa ra các lựa chọn thay thế”.
Danh sách này cũng bao gồm cơ sở lưu trữ khí đốt lớn nhất của Đức tại Rehden, Lower Saxony, với công suất 4 tỷ mét khối và được vận hành bởi Astora, nhà kinh doanh cung cấp các ngành công nghiệp và tiện ích địa phương.
Ông Henning Gloystein, Giám đốc Eurasia Group, nhận xét nếu các công ty bị trừng phạt không thể hoạt động, các công ty khác như có thể tiếp nhận các hợp đồng khí đốt, điều này có thể liên quan đến việc đồng ý với các điều khoản mới với Gazprom, bao gồm cả về vấn đề thanh toán.
Ông nói: “Đây có thể là dự định của Gazprom, bên cạnh việc gửi tín hiệu trả đũa”.
Lo ngại về mùa đông
Gazprom cho biết họ sẽ không xuất khẩu khí đốt đến Ba Lan qua đường ống Yamal-Europe sau các lệnh trừng phạt đối với EuRoPol Gaz, công ty thuộc sở hữu Ba Lan.
Đường ống này đã kết nối các mỏ khí đốt của Nga ở Bán đảo Yamal và Tây Siberia với Ba Lan và Đức, qua Belarus. Đường ống có công suất 33 tỷ m3, chiếm khoảng 1/6 lượng khí đốt từ Nga xuất khẩu sang châu Âu.
Tuy nhiên, khí đốt đã chảy về phía Đông thông qua đường ống từ Đức đến Ba Lan đã tạo điều kiện cho Ba Lan, vốn đã bị Nga cắt nguồn cung khí đốt, tích trữ.
Dữ liệu từ nhà điều hành đường ống Gascade cho thấy dòng chảy ra vào Ba Lan tại điểm đo Mallnow ở biên giới Đức ở mức 9.734.151 kilowatt giờ (kWh/h) vào ngày 12/5, giảm so với mức khoảng 10.400.000 kWh/giờ vào ngày trước đó.
Mặc dù kho dự trữ khí đốt của Đức tích trữ được khoảng 40%, con số này vẫn ở mức thấp trong năm và Berlin vẫn cần nhiều nhiên liệu hơn để chuẩn bị cho mùa đông.
Các biện pháp trừng phạt của Moscow được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ukraine tuyên bố ngừng tuyến đường vận chuyển khí đốt do có sự can thiệt của các lực lượng Nga. Reuters nhận định đây là lần đầu tiên hoạt động xuất khẩu qua Ukraine bị gián đoạn kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu.
Theo đó, Kyiv cho biết điểm trung chuyển khí đốt Sokhranovka sẽ không được mở lại cho đến khi họ giành được toàn quyền kiểm soát hệ thống đường ống của mình, đồng thời cho biết thêm rằng các dòng chảy có thể được chuyển hướng tới điểm trung chuyển Sudzha thay thế. Tuy nhiên, Gazprom đã nói rằng điều này không có thể về mặt công nghệ.
Nhà điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine cho biết Gazprom đã đặt công suất 65,67 triệu m3 qua cửa khẩu Sudzha vào ngày 13/5, nhiều hơn so với mức 53,45 triệu m3 hôm 12/5,
Ủy ban châu Âu đánh giá việc ngừng cung cấp khí đốt của Ukraine không giải quyết được vấn đề ngay lập tức, trong khi đó thị trường đang có những lo ngại về nguồn cung vào mùa đông, khi nhu cầu sưởi ấm tăng và ảnh hưởng tới toàn cầu.
Ông Kaushal Ramesh, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn Rystad Energy, nhận xét: “Mức dự trữ hiện đủ để duy trì đến gần hết năm 2022, ngay cả khi dòng chảy của Nga ngừng ngay lập tức nhưng triển vọng về nguồn cung mùa đông 2022 lại bi quan hơn rất nhiều”.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết