Với mong muốn giảm lượng khí thải carbon, giảm rác thải điện tử và tăng tỉ lệ tái chế, Liên minh châu Âu đang đưa ra dự thảo yêu cầu các hãng sản xuất cải thiện tuổi thọ pin và tăng khả năng sửa chữa cho smartphone hay máy tính bảng.
Cụ thể trong dự thảo này, các nhà chức trách của EU muốn bắt buộc các nhà sản xuất điện thoại phải cung cấp được ít nhất 15 bộ phận khác nhau của các thiết bị bán ra thị trường để những thợ sửa chữa chuyên nghiệp có thể khắc phục các lỗi hỏng hóc. Trong vòng 5 năm tính từ khi sản phẩm ra đời, người tiêu dùng sẽ có thể được đảm bảo thay pin, màn hình, bộ sạc, nắp lưng, khay SIM/thẻ nhớ.
Dự kiến dự thảo mới này có thể được thông qua vào cuối năm nay và các thiết bị như smartphone, máy tính bảng sẽ được dán nhãn năng lượng mới tương tự như trên TV ở châu Âu. Nhãn năng lượng mới này sẽ thể hiện thời lượng pin của smartphone, máy tính bảng cùng các thông pin về khả năng chống nước, bụi…
Theo kế hoạch trong bản dự thảo, nếu các hãng sản xuất không có kế hoạch cung cấp pin cho người tiêu dùng trong vòng 5 năm thì sẽ phải thực hiện các bài kiểm tra về độ bền của pin. Viên pin của các thiết bị này phải đạt được 80% dung lượng sau 1.000 lần sạc đầy. Ngoài ra, các hãng sản xuất cũng phải cam kết những phiên bản cập nhật phần mềm không ảnh hưởng đến tuổi thọ pin.
Nếu dự thảo này được thông qua thì các thiết bị smartphone, máy tính bảng trong tương lai sẽ có độ bền tốt hơn, kéo dài thời gian sử dụng của người dùng, giảm việc phải thay thế từ đó giúp giảm lượng rác thải điện tử gây ô nhiễm. Thiết nghĩ dự thảo này nên được mở rộng cho cả những khu vực khác chứ không riêng gì châu Âu.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết