Sấu là loại quả rất quen thuộc với người dân, nhất là trong những ngày hè nắng nóng, được dùng nấu canh chua, làm siro. Tuy nhiên, ít ai biết được giá trị làm thuốc của quả sấu.
Quả sấu còn có tên gọi khác là sấu trắng, sấu tía. Tên khoa học của quả sấu là Dracontomelon duperreanum, thuộc họ Đào lộn hột.
Đại tá, Lương y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội), cho biết sấu là loại quả mùa hè mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Người dân thường dùng sấu luộc với rau muống tạo nên vị chua dịu mát, thơm, dễ đưa cơm. Món canh này còn là bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải khát và kích thích tiêu hóa.
Quả sấu tươi kết hợp với thịt nạc băm, nấu sườn chua hay canh cá, om với thịt vịt là những món dễ ăn trong những ngày hè nắng nóng, có giải độc, thanh nhiệt.
Theo Đông y, quả sấu lúc xanh có vị chua, hơi chát. Sấu chín cho vị chua, ngọt, tính mát. Quả sấu có tác dụng kiện vị sinh tân, tiêu thực chỉ khát, chỉ ho, tiêu đờm. Trong Đông y, quả sấu được dùng để điều trị chứng nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, nôn do thai nghén, say rượu…
Lương y Bùi Hồng Minh cho biết thêm, tại một số nước như Trung Quốc, quả sấu được dùng như bài thuốc giải độc và giảm ngứa, chữa bệnh lở loét viêm da, đau họng, giải độc. Người dân Trung Quốc dùng vỏ cây sấu để chữa bệnh kiết lỵ.
Hoa và quả sấu được dùng làm thuốc chữa ho: Ngâm quả sấu với ít muối hoặc sắc quả sấu với nước, thêm đường cho ngọt và uống. Ngày uống từ 4-6g phần thịt quả. Bài thuốc đơn giản này điều trị ho rất hiệu quả.
Trường hợp nhiệt miệng dùng 4-6g cùi quả sấu khô đem sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn sáng. Nếu có viêm đau họng, dùng quả sấu cho thêm một chút muối trắng và ngậm giúp giảm cơn đau, bệnh nhanh chóng thoái lui.
Lương y Bùi Hồng minh cho biết: “Vị chua trong quả sấu có khả năng kích thích vị giác, kích thích tiêu hóa. Trong quả sấu chứa nhiều loại vitamin tốt cho tiêu hoá. Do vậy, uống nước sấu ngâm, ăn sấu sẽ giúp cho bộ máy tiêu hóa hoạt động nhịp nhàng, khỏe mạnh hơn.
Y học hiện đại đã phân tích thành phần quả sấu chín có 86% nước, 1% axit hữu cơ, 1.3% protein, 8.2% gluxit, 2.7% xenluloza, 100mg% canxi, 4.4mg%P và 3mg% vitamin C”.
Còn theo nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, sấu không chỉ là vị thuốc trị ho, tốt cho tiêu hóa mà còn là thực phẩm giải độc, giải rượu tự nhiên và an toàn. Người say rượu dùng nước sấu ngâm đường hoặc lấy sấu khô hãm với nước sôi uống giúp giải rượu nhanh.
Cũng theo Lương y Bùi Đắc Sáng, sấu là loại quả tốt cho sức khỏe, tuy nhiên cũng không nên lạm dụng dùng quá nhiều. Ví nếu như dùng nhiều nước sấu ngâm với nhiều đường sẽ làm ảnh hưởng tới chức năng tụy, tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, béo phì, tim mạch và huyết áp.
Sấu là loại quả không có tính độc nhưng cần phải lưu ý không nên dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi do lượng axít trong sấu có thể tác động tới hệ thống tiêu hóa của trẻ nhỏ. Đối với người có viêm đau dạ dày cũng nên tránh ăn để tránh tăng lượng axít trong dạ dày.
Theo các chuyên gia, để dự trữ sấu ăn quanh năm, cần bảo quản trên ngăn đá tủ lạnh và chia sấu ra thành nhiều túi nhỏ cho tiện sử dụng. Nên ngâm sấu trong bình thủy tinh để đảm bảo an toàn.
Một số bài thuốc hay từ quả sấu
Chữa ho: Dùng 400g cùi sấu ngâm với ít muối, hoặc sắc lấy nước, cho chút đường đủ ngọt, uống 2-3 lần trong ngày.
Giải rượu: Dùng 4-6g cùi quả sấu sắc lấy nước, hoặc hãm với nước sôi rồi uống.
Tăng cường tiêu hóa: Hấp chín sấu với đường rồi làm nước giải khát, uống trong ngày.
Trị nhiệt miệng, háo khát, ngứa cổ, đau họng: Lấy từ 4-6g cùi quả sấu khô đem sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn sáng. Hoặc 8g cùi quả sấu hãm với nước sôi uống trong ngày. Dùng trong một tuần liền.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết