Sau khi virus này xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương, cơ hội sống sót của bệnh nhân gần như bằng 0. Chính vì thế, nó được coi là virus có tỷ lệ tử vong nhiều nhất thế giới.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải được điều trị dự phòng bằng vaccine dại. Khoảng 60.000-70.000 người chết vì căn bệnh này, chủ yếu được báo cáo ở các nước thuộc vùng nhiệt đới.
Từ năm 1920, vaccine phòng dại cho vật nuôi đã ra đời, giúp căn bệnh này gần như không còn xuất hiện ở các nước phát triển. Song, bệnh dại vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Ấn Độ và một số khu vực châu Phi.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, ở các nước Đông Nam Á, hàng năm tỷ lệ chết vì bệnh dại chiếm 80% trên toàn thế giới. Từ năm 2004 đến nay, bệnh dại tăng lên rõ rệt ở các nước thuộc khu vực, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành và phát triển ở hầu hết tỉnh/thành phố. Những năm 1990-1995, tỷ lệ tử vong là 0,43/100.000 dân, trung bình mỗi năm có 350-500 ca tử vong. Nhờ các biện pháp tăng cường chống bệnh dại từ năm 1996 tỷ lệ mắc và tử vong vì bệnh dại giảm rõ rệt. Song, từ năm 2004, số ca bệnh tăng lên, tập trung ở một số địa phương nhất định. Riêng năm 2007, Việt Nam có 131 ca tử vong vì bệnh dại.
Thời gian ủ bệnh kéo dài
Bệnh dại là bệnh lây nhiễm qua dịch tiết chứa virus dại (Rhabdovirus) thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus, gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Hầu hết ca phơi nhiễm bệnh dại đều qua vết cắn hoặc vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Một số trường hợp có thể bị nhiễm virus dại qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung. Ở cả người và động vật, khi đã nhiễm virus dại, kết cục thường là tử vong.
Theo CBS News, trong lịch sử loài người, chỉ một số ít trường hợp người bị bệnh dại sống sót. Tài liệu của WHO cho thấy một khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện, người bị bệnh dại có tỷ lệ tử vong là 100%. Ngoài ra, 99,99% ca nhiễm virus dại là do chó cắn.
Virus dại lây nhiễm sau khi động vật mang bệnh cào, cắn vật chủ mới. Người mắc bệnh dại sẽ bị tổn thương não, dây thần kinh. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Mỹ (NHS), một khi người mắc xuất hiện triệu chứng, gần như khả năng cứu chữa là bằng 0.
“Nó phá hủy não bộ. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng ta đã có vaccine phòng dại, kháng thể chống virus dại. Do đó, nếu ai đó bị động vật cắn, chúng ta có thể điều trị ngay”, PGS Elke Muhlberger, chuyên gia về virus Ebola, Đại học Boston, Mỹ, nói. Dẫu vậy, nếu không được điều trị, 100% người bệnh sẽ tử vong.
Theo WebMD, thông thường, người bị nhiễm virus bệnh dại sẽ không có triệu chứng ngay lập tức. Virus sẽ nằm im trong cơ thể bạn từ 1 đến 3 tháng. Các bác sĩ gọi đây là thời kỳ ủ bệnh. Triệu chứng sẽ xuất hiện khi virus di chuyển qua hệ thống thần kinh trung ương và tấn công não.
Ở giai đoạn tiền triệu chứng (1-4 ngày), người bệnh có biểu hiện sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập.
Khi virus đã lan đến hệ thống thần kinh trung ương, bệnh nhân sẽ bước vào giai đoạn viêm não với triệu chứng mất ngủ, sợ ánh sáng, tiếng động, gió nhẹ. Ngoài ra, người bệnh còn có rối loạn thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi xuất tinh tự nhiên.
Bệnh sẽ diễn biến theo hai thể: Kiểu hướng thượng (hội chứng Landly) và thể cuồng. Từ khi xuất hiện triệu chứng đến khi hôn mê, suy tim, phổi hoặc tử vong thường kéo dài 2-6 ngày hoặc lâu hơn. Người bệnh qua đời do liệt cơ hô hấp.
Làm gì khi bị động vật cắn?
Ổ chứa virus dại trong tự nhiên là động vật có vú máu nóng, nhất là chó hoang dã như chó sói đồng (Coyotes), chó sói (Wolves), chó rừng (Jackals) và chó nhà (Candae). Ngoài ra, ổ chứa virus dại còn ở mèo, chồn, cầy và những động vật có vú khác.
Tại Nam Mỹ, Trung Mỹ, Mexico, loài dơi hút máu và dơi ăn hoa quả cũng là ổ chứa virus dại phổ biến. Trong khi đó, Mỹ, Canada, châu Âu đã tìm thấy loài dơi ăn sâu bọ nhiễm virus dại. Ở các nước đang phát triển, ổ chứa chủ yếu ở chó, ngoài ra còn thấy ở mèo, chuột…
Tại Việt Nam, chó là ổ chứa virus dại chủ yếu (chiếm 96-97%), sau đó là mèo (3-4%) và động vật khác (thỏ, chuột, sóc…) chưa phát hiện được.
Theo WHO, dại là bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine. Tiêm phòng cho chó là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh dại ở người, giúp giảm tử vong do bệnh dại do truyền từ chó. Ở người, loại vaccine tương tự được sử dụng để tiêm chủng cho những ca phơi nhiễm hoặc trước khi tiếp xúc bệnh dại. Những người làm nghề có nguy cơ cao như nhân viên phòng thí nghiệm xử lý bệnh dại sống, virus liên quan bệnh dại (lyssavirus), kiểm soát dịch bệnh hoang dã thường được tiêm vaccine dự phòng.
Dự phòng sau phơi nhiễm là điều trị ngay lập tức nạn nhân nghi bị động vật có virus dại cắn. Điều này giúp ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào hệ thần kinh trung ương, giảm nguy cơ tử vong.
Nạn nhân cần được rửa sạch nhiều lần (tối thiểu 15 phút bằng nước, xà bông, povidone iodine) và điều trị tại chỗ vết thương càng sớm càng tốt; tiêm vaccine phòng dại liều mạnh; sử dụng globulin miễn dịch phòng bệnh dại (RIG) nếu được chỉ định.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết