Lốp xe ô tô trong quá khứ từng có nhiều màu khác nhau nhưng chúng có độ bền kém xa thiết kế đã trở thành tiêu chuẩn hiện tại.
Tại sao trên thị trường hiện tại 100% lốp thành phẩm bán ra cho người dùng đều có màu đen? Liệu đã từng có thương hiệu nào từng thử sức với lốp đa màu nhưng bất thành?
Câu trả lời cho câu hỏi thứ 2 là có với bên từng thử sức với lốp đủ các loại màu sắc là Goodyear vào thập niên 1960. Tuy vậy, loại lốp nói trên đã nhanh chóng biến mất khỏi dòng lịch sử vì những nhược điểm chết người mà chỉ lốp đen mới có thể giải quyết.
Goodyear từng có ý tưởng làm lốp đa màu sắc và cả lốp phát sáng nhưng không thể phát triển thành công sau 10 năm vì không giải quyết được vấn đề độ bền, độ bám đường kém
Quay lại câu hỏi chính là tại sao lốp lại luôn có màu đen. Đầu tiên, phải khẳng định màu này được lựa chọn hoàn toàn không phải vì yếu tố thẩm mỹ, độ thuận tiện trong sản xuất lại càng không vì cao su để chế tạo lốp vốn có màu trắng sữa.
Hãy quay trở lại với lịch sử lốp xe một chút. Vào những năm cuối thế kỷ 19, ô tô đã đạt giới hạn lực bám đường do mâm gỗ tạo ra. Tới 1895, lốp cao su đầu tiên ra đời với kết cấu không thể nguyên bản hơn. Cao su khi đó chỉ được tạo hình chứ không có phương pháp chế tạo nào cả, do đó chúng giữ lại màu trắng nguyên bản của chất liệu này.
Tuy nhiên, những bên chế tạo lốp nhanh chóng nhận ra lốp nguyên thủy sẽ cứng lại khi gặp trời lạnh và mềm ra khi trời nóng dẫn tới việc nhanh chóng hỏng hóc và quy trình sử dụng cũng không an toàn. Hàng loạt công nghệ chế tạo lốp, vì thế, được thử nghiệm tới khi Sidney Charles Mote và một nhóm các nhà khoa học tại Anh tìm ra giải pháp mang tên muội than vào 1904.
Muội than là sản phẩm từ quá trình đốt cháy không hoàn toàn dầu thô hoặc khí tự nhiên trong điều kiện thiếu khí oxy. Nhóm các nhà khoa học trên, sau khi thêm muội than vào hợp chất cao su, phát hiện ra rằng chất này giúp ổn định hơn 20 hợp chất hóa học được thêm vào quá trình chế tạo lốp cao su để tăng độ đàn hồi, dẻo dai cũng như độ bền.
Muội than cũng giúp bảo vệ lốp xe khỏi tia cực tím – yếu tố khiến cao su nhanh chóng trở nên giòn và dễ phân hủy. Thêm vào đó, nhiệt độ lốp sử dụng muội than cũng giúp tản nhiệt ra ngoài thay vì giữ lại ở bên trong thân lốp, qua đó hạn chế tác động cực lớn của nhiệt độ lên độ bền cao su.
“Nhược điểm” duy nhất của muội than đó là việc chúng biến màu lốp xe mặc định thành màu đen, tuy nhiên ta chẳng thấy ai phàn nàn về vấn đề này.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết