Bayer bất ngờ thông báo sẽ nối lại hoạt động cung cấp các vật tư nông nghiệp cần thiết cho Nga; đồng thời một số công ty nông nghiệp châu Âu cũng bày tỏ thiện chí tiếp tục hợp tác nông nghiệp với Nga. Liệu đây có phải là tín hiệu các ông lớn phương Tây đã nới lỏng ‘cánh cửa ngành công nghiệp hạt giống’ đối với Nga?
Những gã khổng lồ hạt giống trở lại thị trường Nga
Theo “Thời báo Hoàn cầu” (Trung Quốc), ngày 15/8, Bayer – công ty sản xuất hạt giống và thuốc trừ sâu lớn nhất thế giới của Đức – đã đưa ra thông báo trên trang web chính thức cho biết, họ đã quyết định sẽ tiếp tục cung cấp cho Nga những vật tư nông nghiệp cần thiết. Động thái này nhằm “giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có có thể xảy ra”.
Thông báo có tiêu đề “Tuyên bố của Bayer về Ukraine”, được chia thành hai phần. Phần đầu chủ yếu mô tả tình đoàn kết và sự ủng hộ đối với Ukraine. Phần thứ hai đề cập đến hoạt động kinh doanh tại Nga, và cho biết công ty đã quyết định sẽ tiếp tục cung cấp cho Nga dịch vụ chăm sóc y tế và vật tư nông nghiệp cần thiết, bao gồm “hạt giống để trồng cây lương thực”.
Theo “Thời báo Hoàn cầu”, động thái này của Bayer nhằm “giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có có thể xảy ra”, nhưng công ty vẫn tiếp tục đình chỉ “tất cả các hoạt động kinh doanh không thiết yếu” ở Nga và Belarus.
Bayer cũng cho biết, họ đã cung cấp vật tư nông nghiệp năm 2022 cho nông dân Nga. Việc có cung cấp cho Nga vật tư nông nghiệp năm 2023 và xa hơn nữa hay không sẽ được quyết định tùy thuộc vào diễn biến tình hình tại Ukraine.
Ngay sau thông báo này, cổ phiếu của Bayer đã tăng giá.
Theo các kênh truyền thông Đức, Bayer hiện có khoảng 1.800 nhân viên tại Nga và đang cung cấp hạt giống cây trồng biến đổi gen cho Nga, bao gồm ngô, đậu nành, hạt cải dầu và lúa mì. Công ty cũng hỗ trợ thành lập các trung tâm nghiên cứu và giảng dạy về phát triển hạt giống tại các trường đại học và cơ sở nghiên cứu nông nghiệp của Nga.
Ngoài Bayer, còn có một số công ty nông nghiệp của Đức đang hoạt động ở Nga, trong đó, các công ty hạt giống cung cấp gần 100 loại hạt giống cho Nga.
Theo thông tin của Cục Thương mại và Đầu tư Liên bang Đức, công ty Ekosem-Agrar trực thuộc liên doanh Đức – Nga chuyên sản xuất sữa Stefan Dürr đã xây dựng một nhà máy ở vùng Kursk của Nga để sản xuất ngô và các loại hạt giống ngũ cốc khác, và đã trở thành một trong những nhà sản xuất hạt giống lớn nhất ở Nga.
Công ty Strube của Đức cung cấp hạt giống củ cải đường, lúa mì, hạt hướng dương và hạt lai cho Nga.
Nhà sản xuất hạt giống Solana tập trung vào loại hạt giống khoai tây ở Nga.
Công ty KWS đang xây dựng một nhà máy sản xuất hạt giống ở vùng Lipetsk của Nga.
Nga “thở phào nhẹ nhõm”
Nhà kinh tế nông nghiệp Munich (Đức) Günterdorf cho biết, tuyên bố của Bayer không chỉ nhằm “làm yên lòng” Ukraine, mà còn gửi thông điệp nới lỏng các hạn chế về hạt giống đối với Nga.
Günterdorf nói rằng, ông không tin rằng việc phương Tây nới lỏng “cánh cửa hạt giống” đối với Nga phụ thuộc vào diễn biến tương lai của cuộc xung đột Nga – Ukraine, nhưng thừa nhận rằng, “Nga tạm thời có thể thở phào nhẹ nhõm ở thời điểm hiện tại, vì trong thời gian gần đây, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) liên tục thảo luận về việc có nên cấm xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp như hạt giống sang Nga hay không“.
Mã Văn Phong, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn nông nghiệp Oriental Egger – cho biết, tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine đối với ngành nông nghiệp đã giảm bớt phần nào từ việc Bayer khôi phục nguồn cung cấp hạt giống cho Nga.
Ông Mã cho rằng, việc Bayer tái gia nhập thị trường Nga không có nghĩa là vấn đề “kẹt cổ” của ngành hạt giống Nga đã được giải quyết. Chăn nuôi nông nghiệp là một ngành bền vững lâu dài, nếu không có sự tích lũy lâu dài sẽ rất khó thu được kết quả.
“Trên thực tế, năng suất ngũ cốc của Nga thực sự đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước Bắc Âu ở vĩ độ cao”, ông Mã nói.
Ông Mã cho biết: “Thị phần hạt giống nội địa của Nga hiện là khoảng 63%. Theo học thuyết an ninh lương thực, hạt giống do Nga gieo trồng phải chiếm ít nhất 75% thị phần. Thị phần hạt giống lúa mì của Nga chiếm tới 97%, nhưng tình hình đối với các loại cây trồng khác không mấy lạc quan. Ví dụ, hạt giống nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong khoai tây và củ cải đường, lên tới hơn 90%, và hạt hướng dương cũng dựa vào hạt giống nhập khẩu hơn 70%”.
Trong khuôn khổ các kế hoạch phát triển của chính phủ Nga, các đơn vị sản xuất nông nghiệp ở nước này đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev từng thừa nhận vào cuối tháng 7 rằng, mức độ tự chủ hiện tại trong ngành hạt giống của Nga là chưa đủ. Nga cần các loại hạt giống có khả năng cạnh tranh và công nghệ nội địa hiện đại cho chu trình nhân giống và sản xuất hạt giống.
Salis Karakotov – Tổng giám đốc công ty Schelkovo Agrokhim của Nga – cho biết, họ sẽ cung cấp 40% hạt giống củ cải cho đất nước vào năm 2023, 75% vào năm 2024 và dự kiến sẽ tự túc hoàn toàn vào năm 2030.
Hợp tác sẽ có lợi cho tất cả các bên
Torsten – giám đốc một công ty kinh doanh nông sản ở Lower Saxony (Đức) – cho biết, với tư cách là một doanh nghiệp nông nghiệp châu Âu, họ đương nhiên hy vọng sẽ tiếp tục được kinh doanh tại thị trường Nga, nhưng họ cũng phải quan tâm đến chính sách tổng thể của EU đối với Nga.
Ông Torsten cho rằng, nhìn chung, các doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là các công ty giống cây trồng vẫn duy trì mức độ hợp tác nhất định với đối tác Nga.
Theo tạp chí “Tư bản” của Đức, từ sau năm 2000, Nga đã theo đuổi kế hoạch tự cung tự cấp về nông nghiệp, và hy vọng sẽ đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành trụ cột xuất khẩu lớn thứ hai bên cạnh dầu khí.
Do đó, nhiều công ty quốc tế đã đến Nga sản xuất kinh doanh.
Từ đầu những năm 1990 đến năm 2020, thu nhập từ nông nghiệp của Nga đã tăng gần gấp ba lần, đạt 300 tỷ USD.
Vào cuối năm 2021, Nga đã thông qua luật mới về sản xuất hạt giống. Luật quy định việc thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc hạt giống và đăng ký quốc gia về giống và giống lai đã được khảo nghiệm. Đặc biệt, các quy trình quan trọng nhất về sản xuất, lưu trữ, buôn bán, vận chuyển và sử dụng hạt giống cây trồng, cũng như xuất nhập khẩu chúng từ Nga đều được quy định rõ ràng. Luật này cũng nhằm ngăn chặn sự xâm nhập ồ ạt của các giống cây trồng nước ngoài vào thị trường Nga.
Tuy nhiên, mọi thứ đã bị đình trệ kể từ cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Tạp chí “Nông nghiệp Ngày nay” của Đức gần đây cũng nhận định rằng, xung đột giữa Nga và Ukraine đã giáng đòn mạnh vào nền nông nghiệp Nga, trong khi kỹ thuật chuyên ngành nông nghiệp của Nga là không đủ trong một số lĩnh vực. Các biện pháp trừng phạt sẽ hạn chế hơn nữa giao dịch nông sản của Nga với châu Âu và Mỹ. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong sản xuất nông nghiệp của Nga. Nhưng nếu mất đi nguồn cung nông sản Nga, thị trường nông sản toàn cầu sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng. Nên cuối cùng, Nga và EU sẽ lựa chọn hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết