Tập đoàn Masan vừa tiết lộ về việc nâng sở hữu tại chuỗi Phúc Long lên mức chi phối.
Cụ thể, Masan mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%. Với giá 110 triệu USD cho 31% cổ phần tương ứng định giá vốn cổ phần của Phúc Long là 355 triệu USD, P/E của chuỗi này xấp xỉ 15 lần dựa trên ước tính lợi nhuận sơ bộ năm 2022.
Hồi tháng 5 năm ngoái, Masan đã bỏ ra 15 triệu USD để sở hữu 20% cổ phần Công ty cổ phần Phúc Long Heritage – công ty sở hữu thương hiệu Phúc Long, tương đương mức định giá sau giao dịch là 75 triệu USD (khoảng 1.725 tỉ đồng). Như vậy, giá trị của Phúc Long tăng gấp gần 5 lần sau chưa đầy một năm về với chủ mới.
Trong thời điểm dịch vừa qua, việc triển khai kiosk Phúc Long tại các điểm bán thuộc chuỗi Winmart đã mang lại kết quả khả quan. Mô hình mini-mall được tập đoàn này đánh giá sẽ tiếp tục thu hút khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng doanh số và giảm doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn, từ đó gia tăng lợi nhuận.
Ngoài ra, tập đoàn cũng đưa ra dự báo kết quả tài chính sơ bộ năm 2022.
Theo đó, Masan lên kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất năm 2022 đạt từ 90.000-110.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22% – 36% so với mức 74.200 tỷ đồng (loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) trong năm 2021.
Phía Masan cho biết, trong năm 2021, doanh thu từ các mảng kinh doanh phục vụ người tiêu dùng (không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi và Masan High-Tech Materials) đóng góp 68% vào tổng doanh thu và dự kiến sẽ tăng lên 85% trong năm tài chính 2022.
Lợi nhuận thuần trong hoạt động kinh doanh chính (loại trừ các khoản lãi /lỗ 1 lần và mảng thức ăn chăn nuôi) ước tính sẽ trong khoảng 5.000 – 7.000 tỷ đồng, tăng trưởng 32% – 84% so với mức 3.800 tỷ đồng trong năm 2021.
Công ty cũng đặt mục tiêu mở 2.000 cửa hàng mini-mall theo 5 hình thức khác nhau, dựa trên phân tích đặc trưng của từng thành phố, ngoại ô, nông thôn ở các cửa hàng mới mở cũng như cửa hàng hiện có.
Dự kiến, trong năm tài chính 2022, doanh thu chuỗi Phúc Long sẽ đạt 2.500 – 3.000 tỉ đồng, nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và kiosk trong Winmart cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê.
Trong năm 2021, 5 cửa hàng thí điểm hoạt động theo mô hình mini-mall đã giúp gia tăng 30% lưu lượng khách hàng so với cửa hàng trước khi áp dụng mô hình này. Mini-mall còn giúp mỗi điểm bán giảm 44% mức doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng/ngày.
Việc chuyển đổi siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+ thành các điểm bán trong chiến lược Point-of-Life được cho sẽ giúp gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Hiện chuỗi bán lẻ này cũng bắt đầu triển khai mô hình nhượng quyền nhằm gia tăng số lượng điểm bán thuộc kênh phân phối hiện đại.
Ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Masan, cho biết trong năm 2022, tập đoàn sẽ số hóa nền tảng từ sản xuất, hậu cần cho đến phân phối để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Mục tiêu sắp tới là chuyển đổi The CrownX trở thành nền tảng tiêu dùng – công nghệ hàng đầu.
“Trong năm 2022, Masan sẽ số hóa nền tảng từ sản xuất, hậu cần cho đến phân phối để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng. Bước đi này không chỉ giúp tối ưu 10% chi phí hoạt động mà còn vận dụng hiệu quả công nghệ AI và machine learning để nâng cao hiểu biết về khách hàng”, ông Quang chia sẻ.
LifeHub