Theo CNN, nhiều người khi tiếp xúc trực tiếp với F0 và sinh hoạt chung nhưng không dương tính với SARS-CoV-2. Các chuyên gia nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến họ may mắn không nhiễm bệnh như tải lượng virus người F0 thấp, kháng thể vắc xin ngừa COVID-19 cao…
Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có dịch COVID-19 lưu hành trong cộng đồng, nên tình trạng người dân dương tính chưa được phát hiện vì không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rồi nhưng vẫn đi ra ngoài rất phổ biến.
Thế nhưng, theo thống kê của Mỹ, tính đến nay, Mỹ ghi nhận 80 triệu ca mắc COVID-19. Nhưng một thực tế khá lạ là nhiều người không mắc COVID-19, cho dù tiếp xúc gần với F0 liên tục trước đó.
Tiến sĩ Mohamad Assoum, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại ĐH Queensland, đã chia sẻ một vài nguyên nhân cơ bản như sau:
Khoảng cách đủ an toàn để không tiếp xúc với virus
Một số nghiên cứu cho biết, các biến thể Omicron có thể tồn tại lâu hơn trên các bề mặt so với chủng gốc, mọi người có nhiều khả năng nhiễm virus từ các giọt bắn hô hấp hơn các bề mặt bị ô nhiễm.
Khi hít phải những giọt bắn chứa virus hoặc rơi vào mắt, miệng… mọi người dễ bị lây nhiễm, kèm với các triệu chứng hắt hơi, la hét, nói chuyện… cũng khiến tốc độ tiết dịch lây bệnh nhanh hơn.
Chính vì vậy, nhiều người may mắn khi tiếp xúc với F0 đang ở khoảng cách an toàn ít nhất là 2m, hoặc họ có tuân thủ 5k nên việc lây nhiễm bệnh không có.
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đầy đủ
Chiến dịch tiêm vắc xin được phủ rộng khắp thế giới. Tỉ lệ tiêm phòng vắc xin ít nhất 2 mũi của nhiều quốc gia đã chứng minh hiệu quả ngăn ngừa tỉ lệ chuyển nặng và tử vong rõ rệt. Điều quan trọng là tiêm chủng đủ vắc xin nên khả năng cao tránh được nguy cơ mắc bệnh.
Mắc COVID-19 không triệu chứng
Theo dữ liệu của thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc), có tới 40,5% các trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng. Vì vậy, có thể một số người đã bị nhiễm bệnh mà không hay biết vì họ không có biểu hiện và không xét nghiệm.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, những người không có triệu chứng cũng nhiều khả năng nhận kết quả âm tính khi xét nghiệm nhanh.
Âm tính giả
Các xét nghiệm SARS-CoV-2 hiện tại khá chính xác, nhưng không hoàn hảo. Ví dụ, một số xét nghiệm nhanh tại nhà ít nhạy cảm hơn với các biến thể như Omicron. Một vài người có tải lượng virus trong cơ thể thấp hay lấy mẫu sai cách cũng dẫn tới âm tính giả.
Bởi vậy, nếu có triệu chứng mà test nhanh âm tính, bạn có thể kiểm tra lại bằng xét nghiệm PCR. Nếu kết quả PCR âm tính, bạn có khả năng mắc bệnh nhiễm trùng khác.
Một số người có miễn dịch tự nhiên chống lại COVID-19?
Khả năng miễn dịch này rất hiếm bởi vậy khó tìm được các trường hợp để nghiên cứu. Có ý kiến cho rằng, một vài người không có thụ thể ACE2 mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để xâm nhập vào tế bào.
Ý kiến khác cho rằng những người kháng COVID-19 có phản ứng miễn dịch rất mạnh, đặc biệt là ở các tế bào bên trong mũi của họ.
Lifehub tổng hợp