Hành vi bạo hành của người cha là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của cháu bé khiến dư luận xã hội bức xúc, lên án.
Sáng 21/10, Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thành Luân (SN 1985, trú tại TP Đà Lạt) để điều tra hành vi hành hạ người khác. Tối 19/10, khi đi nhậu về nhà, nghe vợ kể lại việc nghi con trai N.Đ.A.H. (10 tuổi) lấy trộm 100.000 đồng, Luân đã gọi con trai ra dùng tay, dây thắt lưng đánh tới tấp vào người cháu H. Luân bắt con trai cởi quần áo, quỳ xuống sàn nhà rồi tiếp tục đánh. Người cha này còn dùng thắt lưng đeo vào cổ con trai, kéo đi quanh hành lang, xuống cầu thang, xuống sân, ra ngoài đường phía trước khu chung cư, thậm chí còn bắt cháu H sủa tiếng chó…
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, hành vi của người cha là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của cháu bé khiến dư luận xã hội bức xúc, lên án. Do đó, cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ và bắt khẩn cấp nghi phạm để xử lý là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật.
Thông tin vụ việc cho thấy, toàn bộ hành vi của Luân được camera an ninh ghi lại, đây là những chứng cứ rất rõ ràng khiến đối tượng này không thể chối cãi được. Ngoài ra, những thương tích trên cơ thể cháu bé là những bằng chứng tố cáo hành vi bạo hành của người cha. Người đàn ông này đã có hành vi cố ý gây thương tích, làm nhục, hành hạ cháu bé một cách tàn nhẫn.
Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường kiểm tra dấu vết trên thân thể cháu bé và có thể tiến hành trưng cầu giám định thương tích cho cháu bé. Trường hợp hành vi đánh đập cháu bé dẫn đến thương tích, cơ quan điều tra sẽ khởi tố người đàn ông này về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp không xác định được thương tích của cháu bé nhưng hành vi được xác định là đối xử tàn ác với người lệ thuộc, Luân cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội hành hạ con theo quy định tại điều 185 Bộ luật Hình sự. Hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 5 năm theo quy định tại khoản 2 điều 185 Bộ luật Hình sự.
Theo quy định của pháp luật, người dưới 16 tuổi là trẻ em, là đối tượng được bảo vệ chăm sóc và giáo dục đặc biệt theo quy định của hiến pháp, luật trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan. Mọi hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng bạo lực để giáo dục trẻ em, dù bất kể người đó là ai. Trẻ em là đủ tuổi chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, chưa có nhận thức đầy đủ về cuộc sống nên dễ mắc sai lầm. Việc giáo dục trẻ em đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và bao dung.
Hành vi nổi nóng, đánh đập, hành hạ trẻ em cho thấy sự bất lực, thiếu kỹ năng giáo dục và là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, dù bất kỳ lý do gì, hành vi đánh đập trẻ em cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Không ít các bậc cha mẹ vì bực tức mà đánh đập trẻ em dẫn đến các con bị thương tích, bị ảnh hưởng nghiêm trọng về đời sống tâm lý và sức khỏe, nhiều người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn diễn ra, đặc biệt là với những người cha dượng, mẹ kế hoặc cha mẹ là người nghiện ngập, sống trong gia đình không có hạnh phúc.
Vụ việc này sẽ là bài học cho những ai coi thường quyền trẻ em, coi thường tính mạng sức khỏe danh dự nhân phẩm của trẻ em.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết