Mới đây, cư dân mạng xôn xao vụ khách mời bị gia chủ “tố” vì là bác sĩ nhưng chỉ mừng cưới 200 ngàn đồng. Dù ngay sau đó người này đã gỡ bài viết và lên tiếng thanh minh nhưng vẫn khiến không ít người ngán ngẩm.
Sự việc xảy ra tại Cà Mau, chủ nhà đã chụp hình ảnh thư mời dự đám cưới ngày 19/10/2022, trên thư còn kèm theo ghi chú “BS Đ. 200”. Khi chia sẻ trên mạng xã hội, người này viết: “Chắc do ăn ở không tốt với xóm làng, hay đãi ăn không được, hay gia đình mình thiếu xót những gì? Đây là bài học rút kinh nghiệm cho những gia đình tổ chức tiệc tùng nhe”.
Trả lời báo chí, người này cho rằng vì khách mời là bác sĩ, vừa là hàng xóm lại còn là đồng hương nên việc mừng đám cưới 200 ngàn đồng có gây “sốc”. Cách hành xử của gia chủ khiến cộng đồng mạng phẫn nộ cho dù đã gỡ bài sau đó ít phút. Chưa kể, gia đình họ còn có thể mất đi tình nghĩa xóm giềng, bởi nỗi sợ bị “bóc phốt” bất cứ lúc nào.
Đối với mỗi gia đình, những dịp hiếu, hỉ hay mỗi khi có việc trọng đại, sự có mặt của người thân, bạn bè, hàng xóm có thể xem là thước đo về thái độ, cách sống hằng ngày của họ. Nếu bản thân gia chủ phóng khoáng, dễ gần, hòa nhã thì có thể thu hút nhiều người tới chung vui, nhưng trái ngược lại, nếu gia chủ sống nội tâm, ít giao thiệp, thậm chí là ích kỷ thì sẽ ít bạn. Ngoài việc đến góp mặt, với những người “kỹ tính” cũng sẽ để tâm hơn đến “phong bì”. Thế nhưng, biết bao nhiêu mới là đủ khi khách mời ở thế bị động.
Nhiều người bày tỏ, tại sao trên thư mời viết “Đến chung vui với gia đình là niềm vinh hạnh của chúng tôi”, nhưng đến lúc kiểm tra phong bì thấy không như ý lại bức xúc?
Facebook An Pham bình luận: “200 ngàn là bình thường mà, đi nhà hàng thì 300k, còn thân thích đi khác. Chứ tiền nuôi thân còn ko xong, lấy đâu đi đám”.
Hay Facebook Truc Linh chia sẻ: “Mình từng chứng kiến cảnh chủ nhà gả con mời 20 mâm mà khách chỉ đi chưa đầy 10 mâm. Lúc đó chủ nhà đầu còn lo lỗ hay lời gì nữa, chỉ lo “quê” thôi. Dẫu biết thời buổi này đi đám cưới gả 200 ngàn đồng chỉ là xã giao thôi chứ, không có giao tình gì thì mai mốt mình trả lại như nhau, chủ yếu là cái tình xóm làng vậy thôi”.
“Tại sao đi đám phải bỏ phong bì rồi dán lại? Đó là bí mật, sự tế nhị, được hiểu nôm na là người ta muốn đi bao nhiêu thì đi đó”, Facebook Mỹ Xuyên viết.
Có lẽ sau vụ việc, không chỉ chủ nhân bài bóc phốt trên mà còn có những người hay đặt nặng “ruột phong bì” sẽ nhận được bài học sống giá trị.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết