Từ lâu nhiều người thắc mắc: Vì sao có những người thường bị muỗi chích, còn người khác dường như muỗi ‘không thèm’?
Trước đây khoa học đã tìm ra nguyên nhân tại sao lại như vậy. Nhưng người ta cũng biết rằng khi nguồn “thực phẩm” khan hiếm, muỗi sẽ không còn kén cá chọn canh nữa mà sẽ chích bất kỳ ai chúng tìm thấy. Và chỉ có muỗi cái mới hút máu người vì chúng cần protein trong máu người để sản xuất trứng.
Muỗi dò ra vị trí con người chủ yếu từ lượng khí carbon điôxit (carbon dioxide – CO2) thải ra khi chúng ta hô hấp. Chúng có khả năng cảm nhận khí CO2 ở khoảng cách đến 30m. Do con người thở ra bằng đường mũi và miệng nên thu hút muỗi bay quanh đầu chúng ta.
Mới đây các nhà nghiên cứu ở Đại học Washington đã tìm ra cơ chế của việc chọn lựa “mục tiêu người” của loài muỗi. Họ đã hiểu được tại sao có những người lại thu hút loài muỗi cứ như thể cái nam châm hút muỗi vậy.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm đưa những chiếc cổ tay áo có mùi mồ hôi người và những chiếc không mùi vào chỗ những con muỗi thí nghiệm. Đa số con muỗi sẽ tìm đến những chiếc tay áo có mùi mồ hôi.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy có một số loại mùi cơ thể người thu hút muỗi nhiều hơn loại khác, có thể là do thành phần các chất cấu tạo của mồ hôi. Còn những người hiếm khi bị muỗi chích là do mùi cơ thể có chứa những chất mà muỗi không ưa.
Nghiên cứu cũng phát hiện một điều quan trọng hơn có thể ứng dụng vào việc trừ muỗi trong tương lai. Đó là sự liên kết nhận thức của loài muỗi về một loại mùi người nào đó với khả năng bị đập chết, xuất phát từ một chất dẫn truyền thần kinh tên là dopamine.
Những con muỗi bị các nhà nghiên cứu làm hỏng hệ thống truyền dẫn dopamine thì không còn bị thu hút bởi mùi người. Thêm nữa, chúng hầu như không còn phân biệt được mùi của những kẻ chắc chắn sẽ ra tay nện chúng với những người “hiền hòa” hiếm khi có phản ứng.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra lời khuyên là khi bị muỗi chích, người ta cứ mạnh dạn đập thẳng tay. Cơ chế nhận biết mùi cơ thể sẽ giúp cho những con muỗi đủ thông minh để nhận thức rằng nếu tấn công “cái mùi” đó lần nữa thì coi như tiêu đời.
Kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần vào việc phòng trừ muỗi một cách hiệu quả hơn. Trong tương lai, người ta sẽ áp dụng biện pháp chỉnh sửa gene di truyền của loài muỗi nhà để làm hỏng hệ thống dẫn truyền dopamine, làm chúng không còn bị thu hút bởi mùi cơ thể nữa.
Đây là giải pháp được đánh giá là an toàn hơn so với dự định chỉnh sửa gene để triệt sản loài muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét.
Công trình nghiên cứu này được công bố trên chuyên san sinh học Current Biology.
LifeHub