Nam bệnh nhân là sinh viên năm 2 một trường đại học ở Hà Nội, đến viện khám vì khó chịu vùng kín, được chẩn đoán mắc bệnh lậu. Bác sĩ đề nghị anh đưa bạn tình đến kiểm tra nhưng bệnh nhân không đếm nổi số “đối tác” mình từng gần gũi.
Trước khi đến viện gần một tuần, nam sinh thấy vùng kín khó chịu, tiểu buốt và ra mủ. Tự mua thuốc uống không đỡ nên anh đi khám. Bác sĩ chuyên khoa 2 Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương, chẩn đoán anh mắc bệnh lậu.
“Điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) phải tiến hành cả đôi. Tuy nhiên, nam bệnh nhân này lặng người đi khi chúng tôi đề nghị anh đưa bạn tình đến kiểm tra. Lý do là anh không đếm nổi những người từng ‘gần gũi’, bởi ngoài bạn gái chính thức, anh còn có nhiều ‘đối tác’ khác mới quen 1-2 tháng, hoặc do bạn bè rủ rê”, bác sĩ Ghi chia sẻ trên VietNamNet.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu bệnh nhân có triệu chứng này. Trong những lần trước, anh tự ra hiệu thuốc mô tả tình trạng rồi mua thuốc uống, triệu chứng dần thoái lui. Lần này, biểu hiện bệnh nặng nề hơn dù đã uống thuốc cũ nên anh mới đi viện. “Trước khi đến viện, bệnh nhân cho biết cũng ‘trót’ gần gũi nhiều người khác, rất có thể họ đã lây bệnh từ anh”, vị bác sĩ cho hay. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nữ giới lây bệnh lậu sau một lần quan hệ với đàn ông bị bệnh này lên tới 80%.
“Nhiều bệnh nhân nam đến khám không đếm nổi bạn tình, như nam sinh trên đây. Đây là khó khăn trong điều trị, quản lý các bệnh STDs. Bệnh nhân không biết lây từ đâu và có thể đã lây cho những ai, không thể ‘chặt đứt’ nguồn lây”, theo bác sĩ Ghi. Trong khi đó, lậu ủ bệnh từ 1-6 ngày, thời gian đó, không ít người đã đi “giao lưu” với một hay nhiều người khác vì chưa thấy có biểu hiện bệnh.
Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu Trung ương, năm 2022, trong tổng số gần 180.000 lượt khám chữa bệnh toàn viện, tỷ lệ khám các bệnh STDs như lậu, sùi mào gà, tiết dịch niệu đạo hay âm đạo chiếm khoảng 2%. Trong đó, bệnh sùi mào gà chiếm có số khám nhiều nhất với gần 1.900 lượt, lậu có gần 230 lượt. 20% bệnh nhân đến khám là học sinh, sinh viên.
Hiểu biết hạn chế về đường đi của các bệnh lý này cũng là rào cản. Nhiều người, thậm chí cả cán bộ y tế, cũng gặp sai lầm khi nghĩ rằng các bệnh như giang mai, lậu, hespes,… chỉ lây qua khi quan hệ qua âm đạo, còn quan hệ bằng miệng là an toàn nhất. Trong khi các bệnh STDs có thể lây cả đường hậu môn, qua miệng hoặc khi tiếp xúc với nguồn bệnh qua các vết xước, vết thương hở.
“Nhiều người nghĩ bệnh chỉ lây khi quan hệ đường dưới nên rất ý thức trong việc sử dụng bao cao su khi thâm nhập, nhưng không ngờ khi quan hệ đường miệng tự do cũng lây bệnh”, bác sĩ Ghi phân tích. Ông cho hay 70% bệnh nhân lậu đến khám tại đây bị lây bệnh do quan hệ qua đường miệng.
Trao đổi với Sức Khỏe & Đời Sống, bác sĩ Đào Hữu Ghi cho biết, một khó khăn khác trong quản lý, điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục là khi có các triệu chứng, bệnh nhân thay vì đến gặp bác sĩ lại tự điều trị. Thực tế, hơn một nửa bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương về các bệnh lây truyền qua đường tình dục đã tự điều trị, không khỏi mới đi khám.
“Nhiều cửa hàng thuốc lại kê các loại thuốc cổ điển, hiện nay trong hướng dẫn điều trị mới, bác sĩ không dùng nữa. Thuốc đó uống vào có thể giảm triệu chứng cấp tính rầm rộ, vi khuẩn yếu đi nhưng bệnh không khỏi, trở thành mạn tính…” – BS. Ghi chỉ rõ.
Chuyên gia cũng cảnh báo, các bệnh nhân mắc lậu có triệu chứng nếu không điều trị thì sau vài ngày đến vài tuần sẽ giảm triệu chứng cấp tính và có thể xảy ra biến chứng tại chỗ như viêm niệu đạo sau gây tiểu són đau, viêm mào tinh hoàn, viêm túi tinh và tuyến tiền liệt cấp hoặc mạn tính… Việc tự chữa có thể gây biến chứng viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn. Ở nữ giới có thể gặp biến chứng viêm tử cung sâu.
Để phòng bệnh lậu nên quan hệ tình dục một vợ một chồng, chung thủy; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục là biện pháp an toàn bảo vệ bạn khỏi bệnh lây qua đường tình dục, trong đó có bệnh lậu.
Dấu hiệu mắc lậu cần lưu ý
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nguyên nhân gây bệnh lậu là do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae. Lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến.
Điều rất đáng lo ngại khi mắc lậu là bệnh thường không có những biểu hiện, triệu chứng rõ ràng. Do đó người bệnh rất dễ vô tình lây bệnh cho người khác hoặc để diễn tiến bệnh nặng, cấp tính có dấu hiệu đái buốt, chảy mủ từ niệu đạo… mới đi khám.
+ Bệnh lậu ở nam (Viêm niệu đạo do lậu)
Thời gian ủ bệnh: 3-5 ngày.
Biểu hiện: mủ chảy từ trong niệu đạo, số lượng nhiều, màu vàng đặc hay vàng xanh, đái buốt, có thể kèm theo đái dắt. Viêm toàn bộ niệu đạo: đái dắt, đái khó kèm theo sốt, mệt mỏi.
Biến chứng: Viêm mào tinh hoàn thường bị một bên và biểu hiện sưng nóng, đỏ đau kèm theo sốt. Nếu viêm cả hai bên có thể gây vô sinh. Viêm tuyến tiền liệt, viêm túi tinh và ống dẫn tinh.
+ Bệnh lậu ở phụ nữ (viêm cổ tử cung và viêm niệu đạo do lậu)
Đặc điểm bệnh lậu ở phụ nữ không biểu hiện triệu chứng rõ ràng mà thường kín đáo, thậm chí không biểu hiện triệu chứng bệnh (trên 50% trường hợp) vì vậy họ không biết mình bị bệnh nên dễ lây lan cho người khác.
Biểu hiện cấp tính: đái buốt, mủ chảy ra từ niệu đạo, từ cổ tử cung màu vàng đặc hoặc vàng xanh số lượng nhiều, mùi hôi. Bệnh nhân đau khi giao hợp, đau bụng dưới.
Khám thấy cổ tử cung đỏ, phù nề, chạm vào chảy máu. Mủ chảy ra từ ống cổ tử cung. Có thể thấy niệu đạo đỏ, có mủ từ trong chảy ra hoặc có khi chỉ có dịch đục.
Biến chứng: Viêm tuyến Skène, tuyến Bartholin, viêm vòi trứng, buồng trứng và viêm hố chậu có thể gây chửa ngoài tử cung, vô sinh, viêm hậu môn, trực tràng.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết