Chết não sau ca tai nạn giao thông, chàng sinh viên trẻ ở TP.HCM đã hiến tim, gan và hai thận ghép cho 4 người khác.
Ngày 13.5, tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Đơn vị Điều phối Ghép Tạng, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ: Hôm nhận tin báo có bệnh nhân chấn thương sọ não hôn mê sâu muốn hiến tạng, rơi vào ngày lễ, đa phần mọi người đều về quê. Do đó tôi đến trước để nắm tình hình nhờ bác sĩ Trần Thanh Linh trao đổi về việc hồi sức cho người bệnh, chẩn đoán chết não lâm sàng.
Đến ngày 2.5, ê kíp chẩn đoán lâm sàng bệnh nhân chết não nhưng phải làm các xét nghiệm khác để khẳng định. Nhóm y bác sĩ của bệnh viện với trên 50 thành viên, thực hiện các xét nghiệm để tìm ra người chờ đợi phù hợp để ghép.
Người nhà có nguyện vọng hiến tim, gan, 2 quả thận, phổi. Tuy nhiên phổi bị tổn thương nên bệnh viện không thể nhận.
Trong giây phút gặp con lần cuối, ba mẹ và người thân nén đau thương, xin phép con để được thực hiện ý nguyện hiến tạng cứu sống những bệnh nhân khác. Hình ảnh này khiến các y bác sĩ vô cùng xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của chàng trai trẻ và gia đình.
“Xin chào em. Các chú, các cô ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Chợ Rẫy đã nỗ lực hết sức để cứu chữa cho em. Nhưng tai nạn giao thông đã làm cho não của em không thể hồi phục được và ý nguyện của gia đình là muốn giữ lại những phần cơ thể còn sống để giúp cho đời, giúp cho các bệnh nhân đang cần ghép tạng. Các cô chú sẽ thực hiện cuộc phẫu thuật này để thực hiện ý nguyện đó. Xin cảm ơn em, cảm ơn gia đình, xin chào em”, TS.BS Phạm Hữu Thiện Chí – Phó khoa Gan Tụy Mật, Bệnh viện Chợ Rẫy – nói lời từ biệt và cùng các y bác sĩ dành phút mặc niệm chào chàng trai trẻ.
Người đàn ông Gia Lai xơ gan giai đoạn cuối hồi sinh
Anh N.V, 39 tuổi, Gia Lai, hơn 1,5 năm qua do xơ gan nặng nên bụng chướng to, ăn uống đi lại rất khó khăn. Anh sống đau khổ và mệt nhọc vì nỗi đau bệnh tật. Bất ngờ anh nhận được tin có người hiến gan.
“Tôi thực sự rất xúc động, cảm ơn người hiến, gia đình người hiến. Tôi sẽ cố gắng gìn giữ lá gan ngày càng tốt”, anh V. nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Đoàn Tiến Mỹ, Trưởng khoa Gan Mật Tuy, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trong danh sách chờ ghép gan của bệnh viện có 3 người. Trong đó có một người xơ gan nặng cần ghép gan sớm và phù hợp nên được chọn cho ca ghép gan lần này. Ca ghép gan thành công đã giúp thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bệnh nhân.
“Trong ghép gan, vấn đề đáng lo ngại nhất sau hậu phẫu là thải ghép. Do đó, bệnh viện chỉ định dùng thuốc chống thải ghép cho bệnh nhân, phối hợp bộ phận ICU đễ hỗ trợ hồi sức. Qua 1 tuần ghép gan, hiện bệnh nhân phục hồi khá hơn, có thể xuất viện sau 4 tuần.
Thay đổi cuộc đời hai bệnh nhân gần 10 năm chạy thận
Bệnh nhân nam 27 tuổi, quê Cần Guộc, Long An, đã chạy thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy 9 năm là một trong hai người may mắn được ghép thận trong đợt này.
“Cho dù sức khỏe có đảm bảo hay không, dù vất vả, mỗi tuần tôi đều phải vào bệnh viện chạy 3 lần. Nghe được tin có người chết não hiến thận, tôi rất xúc động và chân thành cảm ơn người hiến thận va gia đình người thân. Tôi sẽ cố gắng bảo vệ quả thận thật tốt”, anh chia sẻ.
Đây cũng là cảm xúc của anh P.V.S, 37 tuổi, quê Nghệ An đã chạy thận 9 năm tại bệnh viện Chợ Rẫy. Anh S. cho biết, anh rất xúc động và sẽ trân trọng món quà đã giúp thay đổi cuộc đời mình.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Khắc Chuẩn – Phó khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết chức năng thận của bệnh nhân sau 2 ngày ghép thận đã trở về bình thường (có thể thải 6 lít nước tiểu/ngày). Bệnh nhân đủ điều kiện xuất viện theo dõi điều trị ngoại trú.
Theo bác sĩ Chuẩn, đối với bệnh nhân suy thận có thể điều trị bằng chạy thận nhân tạo, lọc máu hoặc ghép thận. Tuy nhiên chỉ có ghép thận sẽ trả lại cho bệnh nhân trở về cuộc sống bình thường, có thể sinh con, ăn uống đi chơi bình thường… Có những bệnh nhân sau ghép thận đi du học, trở thành tiến sĩ, sống cuộc sống ý nghĩa và thay đổi hoàn toàn.
Quả tim đập trong lồng ngực người đàn ông Quảng Bình
Đối với bệnh nhân suy tim có nhóm máu O tại bệnh viện Chợ Rẫy không có bệnh nhân phù hợp, một số không thể chờ đợi nỗi, số khác đã có thể phục hồi không cần ghép tim. Do đó được sự đồng ý của người nhà, bệnh viện Chợ Rẫy báo cho Trung tâm điều phối Ghép tạng quốc gia để tìm người nhận tim phù hợp.
Kết quả. người may mắn có đầy đủ các chỉ số phù hợp để nhận tạng là anh M.S.H (37 tuổi, trú tại Quảng Bình). Anh bị suy tim giai đoạn cuối, đang được điều trị nội khoa tích cực tại Bệnh viện Trung Ương Huế, đã chờ cơ hội để được ghép tim hơn 4 năm. Bệnh nhân được ghép tim ngày 6.5, sau ghép một ngày tim hồi phục tốt, tỉnh và uống sữa được.
Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Việt Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết việc có nguồn tạng để ghép sẽ giúp thay đổi hoàn toàn, là bước ngoặc đối với cuộc sống của người bệnh, nhất là đối với bệnh nhân suy tim, suy phổi, gan.
Đây là hoạt động y khoa đặc thù, liên quan đến toàn xã hội với sự góp sức của nhiều chuyên khoa, lĩnh vực, từ bệnh viện, đến hàng không, giao thông vận tải, cảnh sát giao thông….
Hiến tạng là hoạt động nhân văn và ý nghĩa, cần được lan tỏa rộng. Khi một người chết đi nhưng giá trị của họ sẽ không mất đi và còn cứu sống được nhiều cuộc đời.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết