Khu vực từ mũi đến khóe miệng chứa nhiều tĩnh mạch nối với các dây thần kinh não. Nặn mụn ở vùng này có thể gây ra hiện tượng nhiễm trùng nghiêm trọng.
Nặn mụn ở mũi, thiếu niên bị viêm màng não do nhiễm trùng
Theo truyền thông Trung Quốc, Đông Đông, một cậu bé 13 tuổi đến từ Tương Đàm, Hồ Nam, đã nhận thấy một nốt mụn trên mũi của mình cách đây nửa tháng. Sau khi nặn nó ra, vài ngày trước, lúc tỉnh dậy, cậu thấy mí mắt dưới bên trái và vùng da xung quanh hơi đỏ nhưng cũng không để ý lắm, chỉ nghĩ hai ngày nữa sẽ đỡ. Tuy nhiên, vùng da quanh mắt của cậu không những không cải thiện theo thời gian mà ngày càng đỏ hơn, thậm chí toàn bộ mắt trái sưng tấy, chảy nhiều dịch vàng.
Đông Đông bị sốt cao đến 39,7 độ C, thậm chí còn bị đau đầu, sau khi nhìn thấy điều này, mẹ cậu bé đã ngay lập tức đưa cậu đến bệnh viện địa phương. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện Đông Đông bị viêm mô tế bào và viêm màng não mủ do nặn mụn ở vùng “tam giác tử thần” (trên khuôn mặt).
Sau đó, cậu bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi tỉnh Hồ Nam để điều trị. Bác sĩ Chen Bo, Trưởng khoa Thần kinh của bệnh viện cho biết, khi Đông Đông nhập viện, chỉ số nhiễm trùng rất cao, mặt sưng phù rõ ràng, trong máu được tìm thấy tụ cầu vàng. May mắn thay, sau quá trình điều trị, cơn sốt cao của Đông Đông đã được kiểm soát, tình trạng sưng phù mặt cũng dần thuyên giảm và tình trạng bệnh đang được cải thiện.
Trường hợp của Đông Đông không phải là duy nhất. Trước đó, tháng 9/2020, Tiểu Dương, một cô gái 19 tuổi, sống ở Ninh Ba, Chiết Giang (Trung Quốc) cũng phải nhập viện trong tình trạng vùng da quanh mắt phải sưng tấy và đau nhức sau khi nặn một nốt mụn ở sống mũi. Lúc đó, cô gái cũng bị sốt cao tới 39,7 độ C, mắt phải không mở được. Các bác sĩ chẩn đoán Tiểu Dương bị viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, một bệnh nhiễm trùng nội sọ nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Sau đó Tiểu Dương được điều trị tích cực chống nhiễm trùng, tình trạng đã dần ổn định, thân nhiệt trở lại bình thường, đã có thể cử động mắt và phản xạ ánh sáng được hồi phục.
“Tam giác tử thần” trên mặt là gì?
Nặn mụn, nhổ lông mũi trên vùng khu vực từ đầu mũi đến các góc của miệng có thể gây nhiễm trùng nguy hiểm, tê liệt mặt hoặc tử vong.
Tiến sĩ Amesh A. Adalja, Trung tâm An ninh Sức khỏe Johns Hopkins tại Pennsylvania, Mỹ, cho biết, vùng “tam giác chết” là thuật ngữ chỉ khu vực bao gồm cả sống mũi đến các góc của miệng, tạo thành một hình tam giác.
Khu vực này có rất nhiều tĩnh mạch nối các dây thần kinh khu vực xương sọ giúp vận chuyển máu đến não. Các tĩnh mạch thông thường đều có van để ngăn máu chảy ngược chiều, tuy nhiên tĩnh mạch ở khu vực này đều là loại không van.
Nếu khu vực tam giác bị viêm nhiễm có thể gây viêm nhiễm lên não bộ, dẫn đến suy giảm thị lực, viêm màng não, liệt cơ vùng mặt, nhiễm trùng, thậm chí tử vong. Những người có hệ miễn dịch yếu hơn dễ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
“Tam giác tử thần” là “vùng mặt nối mũi với khóe miệng là vùng đặc biệt nguy hiểm trên khuôn mặt”, vì bác sĩ Joshua Zeichner, bác sĩ chuyên khoa da liễu tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York (Mỹ), cho biết, vùng này liên hệ chặt chẽ với não bộ, theo Health.
Cách tốt nhất để nhận biết hình tam giác này là tạo thành một hình tam giác bằng các ngón tay như sau: Đặt đầu ngón trỏ lên vị trí ở đầu sống mũi, ở giữa 2 mắt, đầu ngón tay cái và ngón giữa đặt 2 bên khóe miệng.
Trên khuôn mặt của bạn, đầu của hình tam giác nằm trên sống mũi và phần gốc của hình tam giác bắt đầu ở hai bên khóe miệng và kéo dài qua phần dưới của môi trên, theo Health.
Vì sao mụn ở vùng tam giác trên mặt lại nguy hiểm hơn các vùng khác?
Nghẽn mạch hang xoang là một tình trạng rất nghiêm trọng, xảy ra do máu đông làm tắc nghẽn tĩnh mạch phía sau hốc mắt. Các triệu chứng như sốt, nhức đầu dữ dội, và tầm nhìn mờ. Nó thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng ngược dòng, khiến tình trạng trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Do vậy, việc chẩn đoán ban đầu của nghẽn mạch hang xoang thật sự khá đáng sợ, vì nó gây ra tử vong với 30% các trường hợp.
Cụm từ “tam giác tử thần” nghe có vẻ hơi cực đoan, nhưng bạn chắc chắn không nên xem nhẹ mối nguy hiểm này. Nói cách khác, nhiễm trùng ở một nốt mụn trên mũi có một con đường khá rõ ràng đến não.
Vì lý do này, “bất kỳ nhiễm trùng nào ở khu vực này đều có nguy cơ cao hơn”, tiến sĩ Alok Vij, bác sĩ da liễu tại Cleveland Clinic (Mỹ), giải thích.
“Trong trường hợp nặn mụn và bị nhiễm trùng, trường hợp xấu nhất là nhiễm trùng lây lan từ da qua xoang này và có nguy cơ nhiễm trùng não và thậm chí lây lan qua đường máu đến toàn bộ cơ thể”, tiến sĩ Zeichner nói, theo Health.
Lưu ý khi điều trị mụn
Nếu bạn có một mụn viêm ở khu vực này, nó sẽ ở rất gần các khoang xoang. Tình trạng gọi là huyết khối xoang có thể phát triển trong khoang xoang do nhiễm trùng. Tình trạng này có thể dẫn đến nguy cơ hình thành các cục máu đông, làm tăng nguy cơ đột quỵ và tử vong.
Việc phòng ngừa các triệu chứng nhiễm trùng nghiêm trọng hoàn toàn có thể làm được, nếu tuân thủ nguyên tắc không nặn mụn, không gây nhiễm trùng hoặc tạo ra vết thương hở khiến sự viêm nhiễm lây lan ra xung quanh.
Khi nhận thấy có dấu hiệu nhiễm trùng như vết mụn sưng, u nang ở khu vực này, bạn nên đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám hoặc dùng những liệu pháp bằng thuốc như serum chấm mụn đặc trị, để diệt khuẩn và làm dịu các vết sưng đỏ. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên nhổ lông mũi hoặc ngoáy mũi mạnh tay. Thói quen này có thể gây rách niêm mạc, chảy máu cam, gây nhiễm trùng…
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết