Trong bài phát biểu tại buổi “Đối thoại khí hậu Petersberg năm 2022” ở Berlin (Đức) mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đưa ra thông điệp thế giới cần phải lựa chọn, là “cùng nhau hành động hoặc cùng nhau tự sát”. Trước đó vào đầu tháng 7, chính Tổng Thư ký LHQ cũng đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường sống, với thông điệp không kém phần ấn tượng là tương lai sẽ bốc cháy nếu tiếp tục sử dụng năng lượng hóa thạch. Và rằng, chính con người đã làm hỏng bầu khí quyển, dẫn tới khủng hoảng biến đổi khí hậu và châu Âu đang tổn thất bởi một mùa hè kinh hoàng bậc nhất trong lịch sử.
Hai thông điệp – một mục đích
Không quốc gia nào an toàn cả khi biến đổi khí hậu ngày một dữ dội – ông Guterres nói và nhấn mạnh, “điều khiến tôi khó chịu nhất là chúng ta không hợp tác với nhau như một cộng đồng đa phương khi đối mặt cuộc khủng hoảng toàn cầu này. Các quốc gia tiếp tục chơi trò đổ lỗi thay vì chịu trách nhiệm về tương lai của chúng ta. Chúng ta không thể tiếp tục theo cách này. Thời gian không còn đứng về phía chúng ta nữa”.
Chưa dừng lại, Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh: “Chúng ta phải lựa chọn: cùng nhau hành động hoặc cùng nhau tự sát”.
Đối thoại khí hậu Petersberg 2022 cũng là bước đệm cho Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ (COP27), dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Ai Cập.
Trước đó, bằng bài viết trên tờ Nikkei Asia, Tổng Thư ký LHQ đã ví: Hoàng đế Nero bị cáo buộc là vẫn ung dung tiêu khiển trong khi thành Rome bị đốt cháy. Ngày nay, một số nhà lãnh đạo đang làm điều tồi tệ hơn khi mà để mặc khí hậu Trái đất bị biến động. “Họ đang đổ dầu vào lửa theo đúng nghĩa đen”.
Ông Guterres đã dùng từ “nghiện” để mô tả hành động của các chính phủ vẫn khai thác triệt để năng lượng hóa thạch thay vì đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.
Nắng nóng “tử thần” bao vây
Hơn tuần qua, hầu hết các quốc gia Tây Âu đã phải hứng chịu nắng nóng khắc nghiệt, nhiệt độ tại nhiều nơi tăng cao chưa từng thấy, dẫn đến cháy rừng dữ dội gây thiệt hại về người và tài sản.
Báo cáo của chính quyền Tây Ban Nha, cho biết cháy rừng tại tỉnh Tây Bắc Zamora đã cướp đi sinh mạng của một người 69 tuổi do không chạy thoát và chết vì bị sặc khói. Cũng tại đám cháy này, một lính cứu hỏa thiệt mạng. Còn tại thủ đô Madrid, một nhân viên văn phòng tử vong do sốc nhiệt.
Báo cáo của Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết, trong vòng 10 ngày gần đây đã có tới 510 người tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến thời tiết nắng nóng. Riêng 16/7 là ngày có nhiều người tử vong nhất với 150 nạn nhân. Đây là đợt nắng nóng thứ hai của Tây Ban Nha trong mùa hè. Đợt trước đó từ ngày 11 – 17/6 khiến 829 người tử vong.
Mặt trời trút lửa xuống liên tục cũng khiến các khu rừng từ khu vực phía nam đến vùng Galicia ở cực tây bắc của Tây Ban Nha bốc cháy, với ít nhất 4.500 hécta rừng đã bị “giặc lửa” thiêu rụi.
Tại Bồ Đào Nha, gần như toàn bộ lãnh thổ nước này được cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở mức cao dù nhiệt độ đã giảm nhẹ so với mức nhiệt cao kỷ lục 47 độ C được ghi nhận hồi giữa tháng 7. Đến nay, 15.000 hécta rừng đã bốc cháy. Thị trưởng Mario Artur Lopes nói với đài truyền hình địa phương SIC rằng, “thành phố Murca đang bị bốc cháy”. Trong khi đó, cảnh sát địa phương đã tìm thấy thi thể của một cặp vợ chồng già đang cố gắng chạy trốn, bên trong một chiếc xe cháy rụi.
Tại Pháp, hàng loạt thị trấn và thành phố của nước này cũng rơi vào mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay. Thành phố cảng Brest trên bờ biển Brittany trong ngày 20/7 đã chứng kiến nhiệt độ tăng lên mức 39,3 độ C, phá vỡ mức nhiệt cao kỷ lục 35,1 độ C ghi nhận năm 2002. Thành phố Saint Brieuc ghi nhận nhiệt độ 39,5 độ C, vượt mức nhiệt cao kỷ lục 38,1 độ C, còn thành phố Nantes với 42 độ C, vượt mức nhiệt cao nhất 40,3 độ C được ghi nhận vào năm 1949.
Trong khi đó, bất chấp nỗ lực của lực lượng cứu hỏa, khu rừng trải dài 9km và rộng 8km gần Dune de Pilat, nơi có cồn cát cao nhất châu Âu chìm trong biển lửa. Trong khi những đám cháy tại tây nam Bordeaux đã thiêu rụi gần 17.000 hécta rừng.
Còn bên kia eo biển Manche, nước Anh cũng đã phải chịu đựng những ngày nắng nóng kinh hồn. Khu vực Suffolk, miền đông England ghi nhận mức nhiệt 38,1 độ C trong ngày 18/7, đây là ngày nóng nhất từ đầu năm đến nay và là ngày nắng nóng khắc nghiệt thứ 3 trong lịch sử.
Trong khi đó, các nhà khí tượng học dự báo nhiệt độ có thể sẽ lần đầu tiên lên đến 40 độ C vào ngày 24/7. Thật đáng sợ khi căn cứ Brize Norton của Không quân Hoàng gia Anh ở hạt Oxfordshire đã phải cho dừng các chuyến bay do thời tiết nắng nóng làm chảy đường băng.
Các nhà bán lẻ tại Anh cho biết doanh số bán quạt điện, ống nước, điều hòa không khí và vòi phun nước tăng vọt. Siêu thị Sainsbury, tập đoàn siêu thị lớn số 2 ở Anh, nói rằng doanh số bán quạt tuần qua tăng 1.876% so với tuần trước, doanh số bán máy lạnh tăng 2.420% và bể bơi phao tại nhà tăng 814%.
Nguyên nhân từ đâu?
Hồi đầu tháng 3/2022, giới chuyên gia thời tiết đã thông báo các kết quả đo nhiệt độ đã lên tiếng về một mùa hè khắc nghiệt bậc nhất trong vòng 100 năm, khi mà nhiệt độ đo được tại Trạm Vostok (Nam cực) lên tới 15 độ C, mức kỷ lục “mọi thời đại”.
“Thật kinh ngạc. Chúng ta sắp bị thiêu dưới trời nóng” – Ted Scambos, nhà khoa học về băng tại Đại học Colorado (Mỹ) nói với AP.
Cùng thời điểm, một đợt nắng nóng dữ dội đã tấn công Ấn Độ và Pakistan, với nhiệt độ cao nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi cách đây 122 năm.
Nguyên nhân của mùa hè khủng khiếp năm nay khi nắng nóng dữ dội quét qua từ nam chí bắc của Trái đất được cho là do tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng, biến đổi khí hậu từ đâu ra? Câu trả lời duy nhất là từ chính con người. Nhiệt độ kỷ lục này không phải tự nhiên mà có.
Vikki Thompson – nhà khoa học khí hậu tại Viện Đại học Bristol’s Cabot giải thích: “Nhiều đợt nắng nóng đặc biệt dữ dội xuất hiện thường xuyên hơn là do biến đổi khí hậu do con người gây ra. Dấu hiệu biến đổi khí hậu thậm chí còn có thể phát hiện được ở số người chết do sóng nhiệt”.
Friederike Otto – giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Viện Grantham (Đại học Hoàng gia London, Anh) các đợt nắng nóng ở châu Âu là do hành động của con người trong việc phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển.
“Biến đổi khí hậu là nhân tố thực sự thay đổi cuộc chơi khi nói đến các đợt nắng nóng, chúng đã tăng lên về tần suất, cường độ và thời gian trên khắp thế giới”- vị chuyên gia nói.
Đáng chú ý, khi nắng nóng dữ dội thì việc sóng nhiệt xuất hiện được cho là “điềm báo” về một thảm họa khí hậu.
Bà Katharine Hayhoe – Trưởng nhóm khoa học của Nature Conservancy khẳng định: “Nếu chúng ta tiếp tục phát thải khí nhà kính theo mức hiện nay, thì không biện pháp thích ứng nào có thể chống đỡ hậu quả đó”.
Chứng kiến một mùa hè bỏng cháy của châu Âu, chúng ta không cần phải đi tìm nguyên nhân ở đâu, vì rằng mọi người đều biết rõ nhưng vẫn ngó lơ mà thôi”.
Tình trạng biến đổi khí hậu do hoạt động của con người có thể là nguyên nhân gây ra đợt nắng nóng gay gắt ở Tây Âu, trong đó miền Nam nước Pháp ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 45,9 độ C, cao hơn 4 độ C so với mức nhiệt trung bình. Theo các nhà khí tượng học, đợt nắng hoành hành tại “Lục địa già” này là do hệ thống áp thấp trên Đại Tây dương gây ra, khi đưa không khí nóng như thiêu đốt từ Bắc Phi vào châu Âu.
Còn theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), tình hình nắng nóng ở châu Âu đang diễn biến theo đúng xu hướng cực đoan dưới tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính. WMO dự báo Trái đất nhiều nguy cơ sẽ trải qua 5 năm nóng nhất trong lịch sử (2019-2024). Nắng nóng sẽ không dừng ở châu Âu, mà còn tỏa rộng khắp châu Á, đặc biệt là Nam Á và Trung Mỹ.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết