Miền Bắc vừa trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm đầu tiên lên tới 40 độ C tại Hà Nội. Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong những ngày qua, bệnh nhân đến khám, nhập viện cấp cứu tăng gấp 3 lần ngày thường, chủ yếu là do đột quỵ não, viêm phổi, rối loạn điện giải do đổ mồ hôi nhiều.
Đột quỵ vì thay đổi môi trường đột ngột
Có mặt tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương vào sáng 22/6, chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân nặng đang điều trị hồi sức, trong đó có tới một nửa phải thở máy. Bệnh nhân nặng nhập viện muộn phải thở máy là cụ ông N.V.A (75 tuổi, Hà Nội) được gia đình đưa đến viện trong tình trạng hôn mê. Theo gia đình cho biết, cụ ông có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, sáng 20/6 cụ có triệu chứng yếu tay chân 1 bên, nói khó, cầm nắm đồ vật không chắc… Tuy nhiên do người trong gia đình đều đi làm nên đến chiều bệnh nhân mới được đưa vào viện cấp cứu, khi đó đã quá “giờ vàng” điều trị tai biến. Kết quả chụp XQ cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não. Bệnh nhân ngay lập tức được điều trị hồi sức cấp cứu, hôn mê phải đặt nội khí quản, thở máy.
Cũng nằm cấp cứu hồi sức tại đây, cụ bà N.T.B (72 tuổi) vốn mắc đái tháo đường, mấy ngày nắng nóng thấy mệt mỏi, ăn uống kém dần đi, ít uống nước, gia đình thấy cụ mệt nên để nằm nghỉ. Bệnh nhân lơ mơ, người thân vội đưa đi cấp cứu, đến lúc này bệnh nhân đã trong tình trạng gọi hỏi đáp ứng chậm, tăng áp lực thẩm thấu (thiếu dịch), không đo được huyết áp, đái tháo đường cao vượt ngưỡng và rơi vào hôn mê… Tại bệnh viện, cụ bà được điều trị hồi sức theo phác đồ, truyền dịch, truyền insulin… Sau 2 ngày điều trị tích cực, các chỉ số của cụ bà gần về bình thường, tỉnh táo hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, BS Trần Đình Thắng, Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: “Đợt nắng nóng đầu tiên này khiến số bệnh nhân tăng gấp đôi, thậm chí có ngày tăng gấp 3 so với ngày thường, lên tới gần 30 ca/ngày. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, trong đó một nửa cần can thiệp cấp cứu hồi sức. Trong số ca vào cấp cứu, đột quỵ chiếm 30-40%, tỷ lệ nặng nhiều hơn trước, do người bệnh chần chừ, đến viện muộn”.
Theo BS Thắng, ngoài các ca đột quỵ, có nhiều ca rối loạn điện giải, do trời nắng người già uống nước kém, cộng với mồ hôi ra nhiều làm mất nước; hoặc có nhiều ca viêm phổi do thay đổi môi trường đột ngột từ phòng điều hòa lạnh ra ngoài nắng nóng… “Ở Khoa Cấp cứu, 70% bệnh nhân hiện tại có viêm phổi, trong đó một nửa bệnh nhân nặng phải thở máy”, BS Thắng cho biết.
Phòng tránh đột quỵ ngày nắng nóng như thế nào?
BS Đỗ Mai Huyền, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, tỷ lệ đột quỵ có xu hướng trẻ hóa. Mạch máu não của người trẻ bị xơ hóa nhanh do ăn nhiều chất béo, đồ chiên rán, đồ nướng, ăn nhiều chất đường, uống nước ngọt… nhưng ít vận động. Tại bệnh viện có trường hợp bệnh nhân 14 tuổi, nặng 74kg bị đột quỵ. Dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ sớm nhất là cơ mặt liệt một bên, tay yếu, chân bị liệt. Ở người già là lẫn, quên, mắt mờ.
Còn BS Đình Thắng thì cho hay, các dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ ở người cao tuổi mà gia đình cần lưu ý phát hiện kịp thời. Cụ thể như: Nói khó, cầm nắm không vững…, ho, sốt, hay tình trạng thay đổi ý thức, huyết áp tăng, buồn nôn chóng mặt, hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cũng cần đến bệnh viện khám, không tự điều trị tại nhà hoặc tối thiểu cần tham vấn nhân viên y tế trong điều trị. Thời điểm “vàng” điều trị đột quỵ là càng đến viện sớm càng tốt, từ 4-6h giờ đầu tai biến. Khi xuất hiện các triệu chứng trên gia đình đưa người bệnh đến viện ngay, không sử dụng biện pháp dân gian như xoa bóp, bấm huyệt, chích máu đầu ngón tay.
“Những ngày nắng nóng người cao tuổi cần tránh các hoạt động ngoài trời từ 10 -16h. Sáng hoạt động nhẹ nhàng như tập dưỡng sinh, yoga, đạp xe, không nên hoạt động mạnh. Người già có thói quen tập thể dục buổi chiều, với nhiệt độ nóng như hiện nay, chúng tôi khuyến cáo không nên tập, bởi buổi chiều tuy nhiệt độ hạ, nhưng nhiệt độ mặt đường bốc lên vẫn rất nóng”, BS Huyền cho biết.
Còn với người trẻ, người lao động phải hoạt động ngoài trời, BS Huyền khuyến cáo phải đội mũ rộng vành, mặc quần áo, đeo kính chống nắng, đeo khẩu trang, uống nhiều nước… để tránh sốc nhiệt. Nếu không có việc thì không nên ra ngoài trời khi nhiệt độ cao, dễ bị mất nước, rối loạn điện giải. Với người bị tăng huyết áp hạn chế ra ngoài; khi ra ngoài đi xe taxi có điều hòa, mặc quần áo chống nắng, hạn chế ăn đồ chiên rán, không ăn nhiều muối…
“Người trẻ và người già vừa đi nắng về mồ hôi mà tắm luôn khiến cho thân nhiệt thay đổi, mạch máu co lại, dẫn đến tai biến. Đặc biệt không nên tắm đêm, mạch máu co lại, nguy cơ đột quy. Nên tắm vào buổi chiều hoặc chiều tối là tốt nhất”, BS Huyền nhấn mạnh.
Trong ngày nắng nóng, việc sử dụng điều hòa làm mát là cần thiết nhưng không quá lạm dụng. Theo đó, nên để nhiệt độ từ 27-29 độ, thêm quạt thông gió. Vào những khoảng thời gian thời tiết dịu mát nên tắt điều hòa, mở cửa để phòng thông thoáng… vì môi trường kín dễ phát triển vi khuẩn gây bệnh. Người cao tuổi cần hạn chế thay đổi môi trường, ví như từ phòng điều hòa ra ngoài nắng nóng cần có không gian đệm để tránh sốc nhiệt. Bên cạnh đó, để tránh biến chứng nặng, khi có dấu hiệu bất thường phải đến cơ sở y tế ngay, không chần chừ gây hạn chế trong chẩn đoán và điều trị.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết