Trước khi về quê khởi nghiệp, lao động trẻ cần xác định rõ làm gì, như thế nào
Không khó để bắt gặp những câu chuyện “bỏ phố về quê” trên các phương tiện truyền thông, bởi đây là xu hướng được nhiều lao động trẻ lựa chọn sau thời gian bám trụ ở các thành phố lớn. Những câu chuyện thành công, thất bại của xu hướng này cũng đang được bàn luận sôi nổi.
Khó trăm bề
Cách đây 4 năm, anh Nguyễn Hoàng Hiệp (28 tuổi; TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) quyết định bỏ công việc lập trình viên với mức lương 20 triệu đồng để về quê lập nghiệp . Quyết định của Hiệp khiến nhiều đồng nghiệp, bạn bè và người thân bất ngờ. “Nhiều người nói tôi về quê để sống an nhàn, từ bỏ cơ hội tốt ở thành phố nhưng tôi không nghĩ vậy, bởi về quê cực hơn nhiều với công việc lập trình ở thành phố” – Hiệp tâm sự.
Hiệp cho biết với thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, rất khó để anh có thể tiết kiệm mua nhà và lập gia đình. Trong khi ở quê đất đai rộng, cha mẹ canh tác theo truyền thống năng suất thấp, lại bị thương lái ép giá, hiệu quả kinh tế thấp, nên anh quyết định về quê trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng. Để có quyết định hồi hương, Hiệp đã lên kế hoạch từ trước đó 2 năm. Sau gần 4 năm theo đuổi mô hình nông nghiệp 4.0, giờ Hiệp là chủ trang trại hơn 1.000 m2 trồng dưa lưới sạch.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mỗi năm anh Hiệp trồng được 3 vụ, năng suất bình quân từ 3,5 – 4,5 tấn/vụ, sau khi trừ chi phí anh thu lãi hơn 100 triệu đồng/vụ. Hiện trang trại của anh tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với mức lương 8 triệu đồng/tháng.
Cũng đi theo trào lưu “bỏ phố về quê”, Nguyễn Thị Cẩm Tiên (26 tuổi, quê Lâm Đồng) đã đầu tư hết những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng của mình nhưng dự án cải tạo nhà cũ thành homestay tại quê nhà vẫn chưa như mong muốn. “Đầu năm 2022, tôi quyết định nghỉ hẳn công việc ở TP HCM về quê, khi có hơn 200 triệu đồng. Tôi đã cải tạo 2 căn nhà nhỏ bỏ hoang mà trước đây ba mẹ làm cho người làm vườn ở nhưng không am hiểu về xây dựng nên mất hết khoản tiền đầu tư” – Tiên nói và cho biết mọi kế hoạch đều hoàn hảo nhưng khi bắt tay vào làm thực tế thì khó trăm bề.
Đừng là phong trào
Trao đổi về xu hướng “bỏ phố về quê” lập nghiệp, bà Bùi Thị Thủy Tiên, sáng lập và điều hành Vườn ươm Khởi nghiệp Việt, cho rằng tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ tại Việt Nam hiện rất đáng được trân trọng và khuyến khích.
Theo bà Thủy, làn sóng khởi nghiệp đang tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ cho giá trị cao, đủ sức cạnh tranh, vươn tầm quốc tế. Điều đó cho thấy giá trị lao động sáng tạo tại Việt Nam đang bùng nổ và đó là cơ hội lớn để đất nước vươn lên trở thành quốc gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, bà Tiên cho rằng khởi nghiệp là một hành trình chứ không phải là phong trào.
Hành trình đó bao gồm các giai đoạn chuẩn bị, thực hiện, hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ và cho kết quả tích cực. Không có hành trình khởi nghiệp nào bằng phẳng, mà luôn đầy trắc trở. Nhưng nếu vượt qua được tất cả để cho ra thị trường được sản phẩm, dịch vụ và được đón nhận thì đó là trái ngọt đầu tiên” – bà Tiên đúc kết.
Cũng theo bà Tiên, giai đoạn chuẩn bị là giai đoạn quan trọng nhất của người trẻ “bỏ phố về quê”, bởi nhiều thứ ở quê không sẵn có như ở thành phố. Trước khi về quê, lao động trẻ cần xác định rõ làm gì, như thế nào và phải có cơ sở làm ăn, kỹ năng nhất định để phát triển tương lai, đồng thời phải sẵn sàng chấp nhận thách thức và thất bại.
Ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh), khuyên: “Khi quyết định “bỏ phố về quê”, lao động trẻ ngoài kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh cần phải có khoản tài chính đủ để trang trải trong giai đoạn đầu, tiếp đến là có tinh thần kiên định theo đuổi ước mơ, kèm theo là tính khả thi của dự án khởi nghiệp“.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết