Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu ngày 8/4 để đình chỉ Nga ở cơ quan nhân quyền hàng đầu của tổ chức vì những cáo buộc liên quan tới các binh sĩ Nga ở Ukraina.
AP nhận định, đây là động thái hiếm thấy, nếu không muốn nói là chưa từng có với 1 trong 5 thành viên có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield gọi cuộc bỏ phiếu là “một khoảnh khắc lịch sử”. Đại sứ Thomas-Greenfield đã phát động chiến dịch đình chỉ Nga trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc khi các video và hình ảnh về thị trấn Bucha, ngoại ô thủ đô Kiev được lan truyền sau khi các lực lượng Nga rút đi.
Nga là đất nước thứ 2 trong lịch sử bị tước quyền thành viên tại Hội đồng Nhân quyền. Trước đây, Libya bị đình chỉ năm 2011 khi biến động chính trị của quốc gia Bắc Phi này khiến nhà lãnh đạo lâu năm Muammar Gadhafi bị lật đổ.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Geneva có nhiệm vụ thu hút sự chú ý và phê duyệt các cuộc điều tra về vi phạm nhân quyền, bên cạnh đó tổ chức đánh giá định kỳ về tình hình nhân quyền ở tất cả 193 nước thành viên của Liên Hợp Quốc.
Hội đồng Nhân quyền đã lập ra các ủy ban điều tra, tạo nên mức độ giám sát cao nhất với các vi phạm và lạm dụng nhân quyền bị cáo buộc, cung cấp mức giám sát cao nhất về các vi phạm và lạm dụng nhân quyền bị cáo buộc, với các cuộc xung đột ở Ukraina, Syria, lãnh thổ Palestine và các nơi khác. Cơ quan này cũng đã thiết lập các sứ mệnh tìm hiểu tình hình thực tế ở một số nơi như Libya, Myanmar…
Nghị quyết đình chỉ Nga khỏi cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc do Mỹ khởi xướng nhận được 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng, thấp hơn đáng kể so với hai nghị quyết mà Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua vào tháng trước yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraina, rút toàn bộ quân đội Nga và bảo vệ dân thường. Cả hai nghị quyết đó đã được ít nhất 140 nước thông qua.
Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Gennady Kuzmin thông tin sau cuộc bỏ phiếu rằng, Nga đã rút khỏi hội đồng trước khi Đại hội đồng hành động. Ông Kuzmin chia sẻ, Nga cho rằng việc thông qua nghị quyết là “một bước đi bất hợp pháp và có động cơ chính trị” bởi một nhóm các quốc gia có “lợi ích kinh tế và chính trị ngắn hạn”.
Bằng cách rút lui, phát ngôn viên của hội đồng Rolando Gomez cho hay, Nga đã tránh bị tước tư cách quan sát viên tại cơ quan quyền lực này.
Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên được thành lập vào năm 2006. Cùng với Nga, bốn thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – Anh, Trung Quốc, Pháp và Mỹ – đang đảm nhận những nhiệm kỳ 3 năm trong Hội đồng Nhân quyền.
Lifehub tổng hợp