Nhiều người nghĩ rằng, bang Alaska là một phần của Mỹ từ khởi thủy. Nhưng thực sự người Nga đã sở hữu lãnh thổ này trong một thời gian dài, sau đó đã bán nó cho Mỹ vào thế kỷ thứ 19.
Vì sao một đế chế hùng mạnh thứ ba thế giới vào lúc đó lại phải bán thuộc địa rộng lớn của mình?
Quyết định của Sa hoàng
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, khu định cư đầu tiên của người Nga tại Alaska được thành lập vào thế kỷ 17. Tên của nó ban đầu là Alaxsxaq, theo tiếng bản địa, sau đó các nhà thám hiểm người Nga chuyển từ này thành Alyaska.
Vào năm 1648, có một vài chiếc thuyềntrong đoàn của nhà thám hiểm người Nga, Semyon Dezhnyov, dạt vào bờ biển Alaska do bão, những người gặp nạn đổ bộ và thành lập khu định cư tại đây. Năm 1725, Sa hoàng Peter Đại đế ủy quyền cho nhà thám hiểm Vitus Bering khám phá bờ biển Alaska, vì các thương nhân Nga rất quan tâm đến ngà của hải mã, da của rái cá biển vàhải cẩu ở đây. Tuy nhiên, rất ít người Nga quan tâm đến việc định cư vùng lãnh thổ mới này, nơi không có tài nguyên gì.
Sau cuộc chiến tranh Krym (1853 – 1856), đế chế Nga suy sụp về kinh tế. Do đó, Sa hoàng cần tiền để hiện đại hóa, xây dựng lại đất nước và ông phải thực hiện điều này càng nhanh, càng tốt.
Alaska là lãnh thổ nước ngoài duy nhất của Nga vào thời điểm đó. Mặc dù, nó đã mang lại tiếng tăm cho đế chế, với danh nghĩa là quốc gia có “thuộc địa”, nhưng chi phí phải bỏ ra để bảo vệ vùng đất 500.000 dặm vuông mà nhiều người coi là không giá trị này đã khiến Sa hoàng quyết định từ bỏ nó.Và câu hỏi được đặt ra lúc này là Nga nên bán Alaska cho ai?
Bán cho ai?
Có hai thế lực mà nước Nga nghĩ tới khi “chào hàng” vùng đất này. Ứng cử viên đầu tiên là Vương quốc Anh. Vào năm 1867, Anh vẫn thống trị trực tiếp Canada, việc bán cho đế quốc này sẽ rất hợp lý vì Alaska giáp với hai tỉnh Yukon và British Columbia của Canada, có thể dễ dàng được sáp nhập vào Canada mà không gặp nhiều rắc rối từ cả hai bên.
Tuy nhiên, Nga và Vương quốc Anh là hai đối thủ lúc bấy giờ. Trong chiến tranh Krym, Anh là một trong những quốc gia đầu tiên tìm cách ngăn cản sự bành trướng của Nga, ủng hộ Đế chế Ottoman, và theo phe Đồng minh. Do đó, không thể để Anh làm chủ vùng đất quá gần Nga.
Mặt khác, ngay cả khi hai đế quốc không phải là đối thủ của nhau, Vương quốc Anh cũng không muốn tìm thêm lãnh thổ trên Thái Bình Dương. Canada đã đủ khó để quản lý do quy mô quá lớn và vì đường bờ biển của Canada ở phía Tây, nên Anh cũng có thể tiếp cận Thái Bình Dương dễ dàng.
Chỉ còn lại một lựa chọn khác trong việc bán Alaska, đó là Mỹ. Nga và Mỹ là đồng minh vào thời điểm đó, mối quan hệ càng được củng cố khi cả hai nước đều không ưa Đế quốc Anh. Nga muốn bán vùng Alaska xa xôi và khó bảo vệ cho Mỹ, hơn là nguy cơ bị mất nếu xảy ra xung đột với một đối thủ cạnh tranh như Anh.
Chỉ có một vấn đề nhỏ gây trì hoãn thương vụ Alaska, đó là nổ ra cuộc Nội chiến Hoa Kỳ (1861–1865). Sau khi chiến tranh kết thúc, nước Mỹ đã ổn định đủ để bắt đầu đàm phán mua bán.
Một nhóm các nhà khảo sát từ Nga được cử đến Alaska để đánh giá các nguồn tài nguyên thiên nhiên, xác định giá trị của thương vụ và đưa ra giá 10.000.000 USD cho vùng đất này. Mặc dù vậy, hầu hết trong số họ, có ý kiến rằng Nga không nên bán thuộc địa, thay vào đó cần đặt vấn đề cải cách đất nước để phát triển.
Nhưng Sa hoàng bỏ ngoài tai lời khuyên của nhóm khảo sát và chuyển bản đánh giá đến chính phủ Mỹ.
Trở thành bang thứ 49 của Mỹ
Alaska là bang lớn nhất Hoa Kỳ về diện tích và là bang giàu thứ 10 xét về thu nhập bình quân của mỗi cư dân.
Alaska là một trong hai bang (bang còn lại là Hawaii) không giáp với bất kỳ bang nào khác của Mỹ. Bang gần Alaska nhất là Washington nhưng cũng cách nhau đến 800km, qua địa phận Canada.
Sau nhiều lần thương lượng, vào ngày 8/10/1867, lãnh thổ Nga, Alyaska được bán cho Hoa Kỳ với giá 7,2 triệu đô la (2 xu cho mỗi mẫu Anh), tức là khoảng 111 triệu đô la, nếu điều chỉnh theo lạm phát. Con số này dường như quá nhỏ so với vùng đất mênh mông với diện tích 586.412 dặm vuông (tương đương 1.517.733 km2). Sau vụ mua bán này, nhiều người Nga vẫn ở Alaska một thời gian rồi sau đó quay trở lại Nga.
Những người Mỹ cho rằng, Alaska giàu có đã di cư vào lãnh thổ này, nhưng sau khi phát nhận ra cần phải đầu tư nhiều tiền của để khai thác tài nguyên ở đây, một số đã rời đi, khiến dân số của thủ phủ Sitka chỉ còn vài trăm người. Năm 1880, vàng được phát hiện ở Alaska, khu vực hiện nay là Juneau. Thế là mọi người đổ xô tới và một thị trấn được hình thành vào năm đó.
Năm 1898, người ta lại tìm thấy vàng ở Porcupine Creek. Chỉ trong vòng 3 năm, 100.000 người đã di cư tới Alaska và Yukon để tìm vận may.
Theo điều tra dân số năm 2019, Alaska hiện có 731.545 người sinh sống. Phần lớn diện tích Alaska được băng tuyết phủ quanh năm. Ở đây đặc biệt có trữ lượng dầu mỏ rất lớn. Tuy nhiên, các sinh vật ở Alaska được cho là rất quý hiếm, tồn tại từ thời nguyên thủy đến nay, nên chính phủ hiện không cho mở rộng khai khoáng.
Nếu nhìn vào giá trị của Alaska bây giờ, chúng ta có thể thấy đây là một thương vụ quá hời đối với chính phủ Mỹ.
Lifehub tổng hợp