Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc bên lề Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan tạo cơ hội cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm ảnh hưởng, trong khi Tổng thống Putin có thể chứng minh mối quan tâm của Nga với khu vực châu Á.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin vừa có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2 năm nay. Điện Kremlin khẳng định cuộc gặp này “có ý nghĩa đặc biệt” trong tình hình địa – chính trị hiện nay.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), tại Uzbekistan. Chuyến công du tới Trung Á trong tuần này cũng là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình rời Trung Quốc sau hơn hai năm. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tạo cơ hội cho nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh tầm ảnh hưởng, trong khi Tổng thống Putin có thể chứng minh mối quan tâm của Nga với khu vực châu Á.
Cuộc gặp “có ý nghĩa đặc biệt”
Cuộc gặp vừa diễn ra giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin được cho là “có ý nghĩa đặc biệt”. Đây là cuộc gặp thứ hai của hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc trong năm nay, nhưng là đầu tiên, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Phó Chủ tịch Ủy ban của Duma Quốc gia về các vấn đề quốc tế Dmitry Novikov đánh giá rằng, “Bắc Kinh và Moscow thể hiện mức độ hiểu biết lẫn nhau cao về một số vấn đề chính trị có ý nghĩa đối với các bên, dựa trên sự hợp tác kinh tế ngày càng tăng và mong muốn xây dựng một hệ thống quan hệ bình đẳng hơn trên trường quốc tế”.
Ông nhấn mạnh, “điều rất quan trọng là quan hệ giữa Nga và Trung Quốc được củng cố bởi sự phát triển kinh tế. Thương mại đang phát triển”. Năm nay, hai nước sẽ ghi nhận kim ngạch thương mại tăng một phần ba. Đây là một chỉ số rất quan trọng. Đặc biệt, thanh toán trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung Quốc và Nga bằng đồng tiền quốc gia đang tăng lên và tỷ trọng của đồng USD đang giảm dần. Điều đó tự nó là quan trọng.
Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, cuộc hội đàm của Tổng thống Putin với Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra tốt đẹp. Nga và Trung Quốc hoàn toàn nhất trí trong các đánh giá về tình hình quốc tế. Theo ông, hai nước không có sự khác biệt và sẽ tiếp tục phối hợp hành động của mình, kể cả tại Đại hội đồng LHQ sắp tới.
Trên thực tế, Trung Quốc đã giữ kín thông tin về cuộc gặp quan trọng này cho đến phút chót. Đáng chú ý, đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, ngay sau cuộc gặp tại Bắc Kinh nhân dịp Olympic mùa Đông 2022, đồng thời diễn ra sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và một đợt bán vũ khí mới của Mỹ cho hòn đảo này.
Trong bản tin về cuộc gặp của Tân Hoa Xã phát đi vào cuối ngày 15/9, vấn đề Ukraine đã không được nhắc đến trực diện, thay vào đó Chủ tịch Trung Quốc đã tái khẳng định sẵn sàng cùng với Nga ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi. Ông cũng đánh giá cao việc Nga tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc”, đồng thời nhấn mạnh “không quốc gia nào có quyền làm trọng tài trong vấn đề Đài Loan”.
Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, cuộc gặp Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Trung – Nga cho thấy mối quan hệ bền chặt giữa hai bên và là một đảm bảo quan trọng cho sự phát triển ổn định và vững chắc của quan hệ song phương trong thời gian tới, báo hiệu rằng mối quan hệ Trung – Nga sẽ không bị ảnh hưởng bởi những ồn ào bên ngoài. Đồng thời cũng cho thấy sự cảnh giác cao độ của Trung Quốc trước những nỗ lực của Mỹ và phương Tây nhằm gắn Trung Quốc và Nga thành một khối chính trị quân sự, chia rẽ hai nước với phần còn lại của thế giới.
Theo giới chuyên gia nước này, cuộc trao đổi trực tiếp giữa nguyên thủ Trung Quốc và Nga – hai cường quốc láng giềng và là các thành viên quan trọng của SCO có ảnh hưởng toàn cầu – không chỉ quan trọng đối với sự phát triển ổn định của quan hệ song phương, mà còn có những tác động to lớn đối với hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Tính toán của Trung Quốc
Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Trung Quốc này là cuộc gặp trực tiếp thứ 39 của ông Tập Cận Bình với ông Putin kể từ khi ông trở thành Chủ tịch Trung Quốc năm 2013, trong khi nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden lần nào kể từ khi ông nhậm chức năm 2021.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang xuống thấp kỷ lục vì cuộc xung đột ở Ukraine, căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây cũng không ngừng leo thang vì vấn đề Đài Loan và kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái
Chuyến công du tới Uzbekistan và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải của nguyên thủ hai nước, cũng như cuộc gặp song phương giữa hai bên, được đánh giá là cơ hội để ông Tập Cận Bình khẳng định tầm ảnh hưởng của mình, ông Putin thể hiện chính sách hướng về châu Á, và cũng là dịp để cả hai nhà lãnh đạo cho thấy sự sát cánh của họ trước áp lực từ Mỹ và phương Tây.
Cuộc gặp như một tuyên bố với thế giới về việc hai nước sẵn sàng và quyết tâm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác giữa một siêu cường đang trỗi dậy với một cường quốc về tài nguyên thiên nhiên và quân sự.
Bên cạnh đó, Hội nghị Thượng đỉnh SCO lần này là cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên kể từ sau đại dịch Covid-19 vào năm 2020 và hứa hẹn sự gia nhập ngày càng nhiều của các quốc gia khác tiếp theo Iran – thành viên thứ 9 của SCO. Theo truyền thông Trung Quốc, đến nay có khoảng 10 nước, gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar, đang mong muốn gia nhập SCO.
Do vậy cuộc gặp giữa nguyên thủ Trung Quốc và Nga cũng sẽ càng làm nổi bật hơn vai trò của hai nhà đồng sáng lập và cũng là hai quốc gia dẫn dắt của SCO trong một thế giới đầy biến động. Điều này đã được minh chứng qua phát biểu của Cố vấn chính sách đối ngoại của điện Kremlin Yuri Ushakov với báo giới tại Nga mới đây rằng: “SCO cung cấp một giải pháp thay thế thực sự cho các tổ chức lấy phương Tây làm trung tâm”.
Nga và Trung Quốc bắt tay tạo thế đối trọng với phương Tây
Người đứng đầu Hội đồng Nga về các vấn đề Quốc tế Andrey Kortunov cho biết: “Đối với Nga, Trung Quốc là một đối tác chiến lược cả trong lĩnh vực thương mại, kinh tế và quân sự – chính trị. Trung Quốc không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Đồng thời, giống như Nga, Trung Quốc đang chịu áp lực của phương Tây. Ở đây, có sự trùng hợp về lợi ích giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình, do đó mong muốn đối phó lại phương Tây là điều hiển nhiên. Sự đối đầu giữa Mỹ và phương Tây là điều gắn kết Nga và Trung Quốc”.
Theo các nhà phân tích chính trị, Nga và Trung Quốc đang củng cố liên minh chiến lược của họ. Cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước bên lề Hội nghị Thượng đỉnh SCO tại Samarkand cho thấy, họ vẫn tuân thủ chính sách về một thế giới đa cực và sẵn sàng ủng hộ nhau trong các tình huống khủng hoảng. Các nhà lãnh đạo Nga – Trung Quốc đã sẵn sàng đối đầu với Mỹ và toàn bộ phương Tây, vốn đang cố gắng áp đặt luật chơi của riêng mình.
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện về châu Âu và Quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế – Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga Dmitry Suslov cho rằng, hiện nay có sự gia tăng độc lập của các quốc gia phi phương Tây, điều này thúc đẩy đáng kể sự hình thành một thế giới đa cực.
Theo ông, chất lượng và cường độ quan hệ của Moscow với Bắc Kinh, New Delhi và các trung tâm phi phương Tây khác sẽ quyết định sức mạnh kinh tế và sự tồn tại của Nga với tư cách là một cường quốc. Do đó, cuộc gặp của Tổng thống Putin với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và cả Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi lần này sẽ trở thành biểu tượng sống động của trật tự thế giới đa cực. Việc tăng cường quan hệ của Nga với Trung Quốc và Ấn Độ sẽ khẳng định sự bất lực của phương Tây trong cuộc đối đầu toàn cầu.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết