Sau 1 tháng chiến dịch quân sự đặc biệt, nhiều đô thị lớn của Ukraine bị quân đội Nga bao vây. Chiến sự đặc biệt khốc liệt trong nội thành Mariupol.
Cuộc động binh lớn nhất của nước Nga sau 1991
Ngày 24/03/2022 đánh dấu tròn 1 tháng Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine . Các lực lượng quân sự Nga đã được triển khai đến Ukraine nhằm mục đích, mà theo lời Tổng thống Nga Vladimir Putin là “phi quân sự hóa Ukraine” và “phi phát xít hóa quân đội Ukraine”.
Sau nhiều năm leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine (đặc biệt là từ sau khi Điện Kremlin sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014), Tổng thống Putin đã quyết định triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine – điều đã gây bất ngờ với toàn thế giới.
Qui mô sử dụng lực lượng của phía Nga là rất lớn, ước tính lên đến khoảng 100.000 đến 150.000 quân. Con số này nhiều hơn cả quân số tham gia các cuộc chiến tranh Chechnya hay “cuộc chiến 8 ngày” ở Nam Ossetia năm 2008.
Kèm theo quân số này là một lượng lớn vũ khí, khí tài hiện đại của các quân binh chủng Nga được đưa vào chiến sự. Đây là một trong những hành động quân sự lớn nhất của nước Nga thời hậu Xô viết (sau năm 1991).
Tên lửa – Không quân Nga phô diễn sức mạnh
Trải qua nhiều biến động chính trị trên khắp đất nước, quân đội Ukraine đã bị suy giảm khá nhiều về sức mạnh, đặc biệt là sau các cuộc chiến với lực lượng dân quân của các nước Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng (DPR và LPR).
Mặc dù vậy, đây vẫn là một lực lượng quân sự mạnh của châu Âu, với hơn 220.000 quân và nhiều thiết bị, khí tài tương đối hiện đại. Trước và trong chiến sự, các nước NATO đã viện trợ khá nhiều vũ khí cho Ukraine.
Trong khi đó, cùng với sự phát triển của kinh tế nước Nga dưới thời kì của Tổng thống Putin, quân đội Nga đã và đang liên tục được hiện đại hóa. Có thể thấy được dấu ấn của quá trình này qua màn phô diễn sức mạnh của các lực lượng tên lửa và không quân Nga.
Để mở màn chiến dịch quân sự đặc biệt, quân đội Nga đã bắn khoảng 160 tên lửa các loại vào các mục tiêu quân sự Ukraine như sở chỉ huy, trung tâm thông tin liên lạc, trận địa phòng không, điểm tập trung quân, kho tàng quân sự, v.v…
Trong những ngày sau đó, phía Nga tiếp tục sử dụng tên lửa hàng không, tên lửa hành trình Kalibr của hải quân, và các tên lửa mặt đất để tấn công các mục tiêu quân sự Ukraine.
Đáng chú ý, gần đây phía Nga cũng đã cho công khai việc sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal phóng từ máy bay chiến đấu, để tấn công các hầm ngầm cất trữ vũ khí của Ukraine.
Trớ trêu thay, đây lại là các căn cứ ngầm do Liên Xô xây dựng để dự trữ vũ khí, khí tài. Bây giờ quân đội Nga – quốc gia thừa kế Liên Xô – đã phải dùng đến tên lửa siêu thanh hiện đại bậc nhất để “giải quyết” chúng.
Không quân Nga cũng đã thực hiện được vai trò làm chủ bầu trời, khống chế các hoạt động di chuyển của quân đội Ukraine – đặc biệt là khối lực lượng chủ lực đang được triển khai ở sát vùng giới tuyến với các nước cộng hòa ly khai miền Đông Ukraine.
Đây là yếu tố quan trọng quyết định lợi thế chiến lược của Nga: Quân đội Ukraine dù còn khá đông, nhưng không thể cơ động để phản kích quân Nga, buộc phải phòng ngự tại chỗ.
Tuy nhiên, không thể đánh giá thấp những phản ứng của phòng không và không quân Ukraine. Mặc dù phía Nga tuyên bố đã đánh thiệt hại nặng phòng không và không quân đối phương, nhưng phía Ukraine đã bắn hạ được các máy bay chiến đấu Su-34 và Su-30SM hiện đại bậc nhất của phía Nga, với đầy đủ “nhân chứng, vật chứng” khiến phía Nga không thể bác bỏ.
Các đô thị lớn của Ukraine bị bao vây
Sau màn dạo đầu của tên lửa, quân đội Nga đồng loạt triển khai vào lãnh thổ Ukraine:
Hướng Bắc qua ngả Belarus tiến xuống, chiếm nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Quân Nga tiến hai bên sông Dniepr, uy hiếp thành phố Kiev, Chernihiv, và Sumy.
Không thể không nhắc đến cuộc đổ bộ bất ngờ của lính dù Nga vào sân bay Antonov (còn gọi là sân bay Gostomel) ở tây bắc thủ đô Kiev của Ukraine. Cuộc đổ bộ này đã gây bất ngờ lớn cho toàn thế giới, tạo điều kiện cho cuộc chuyển quân của Nga ở cánh bắc diễn ra thuận lợi.
Ngày 28/02/2022, hãng Maxar Technologies công bố hình ảnh vệ tinh gây sốc: Đoàn quân xa khổng lồ của Nga gồm nhiều loại xe tăng, xe bọc thép, xe tải chở quân, v.v… kéo dài 64km, từ biên giới Belarus kéo về đến sát thủ đô Kiev.
Điều này được đánh giá là động thái phô diễn sức mạnh của quân đội Nga: Việc chuyển quân lớn giữa ban ngày mà không bị không quân hay tên lửa Ukraine phản kích cho thấy lợi thế chiến lược mà quân Nga đã giành được.
Trên hướng Đông, quân đội Nga tiến từ Belgorod vào cô lập Kharkov, phối hợp với quân đội DPR và LPR để tiến công quân Ukraine, chiếm giữ nhiều điểm dân cư quan trọng.
Trên hướng Nam, quân đội Nga tiến từ bán đảo Crimea lên, chiếm giữ toàn bộ tỉnh Kherson, bắt tay với quân DPR, cô lập toàn bộ dải bờ biển Azov của Ukraine.
Tuy nhiên, hiện nay quân đội Nga chỉ cố gắng cô lập các đô thị lớn của Ukraine. Chiến sự lớn trong nội thành chỉ bùng nổ ở Mariupol – thành phố nằm ven biển Azov.
Thành phố Mariupol – một căn cứ quan trọng của đơn vị “trung đoàn Azov” bên phía Ukraine đã bị cô lập ngay từ đầu tháng 03/2022. Tuy nhiên, chiến sự trong nội thành diễn ra rất quyết liệt. Quân đội Nga và DPR hiện vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn thành phố.
Tuy nhiên, lực lượng quân sự Ukraine phòng thủ thành phố gặp phải nhiều khó khăn do bị bao vây. Dự đoán thành phố Mariupol sẽ sớm thất thủ hoàn toàn vào cuối tháng 03/2022.
Trên hướng biển, hải quân Ukraine đã bị thiệt hại nặng nề. Trong trận hải chiến gần đảo Rắn, 6 trong số 16 tàu của hải quân nước này đã bị phía Nga đánh chìm. Các tuyến đường biển bị phía Nga phong tỏa hoàn toàn.
Ngày 03/03/2022, đã xuất hiện hình ảnh và thông tin tàu hộ vệ 3.500 tấn Hetman Sahaidachny – soái hạm của Hải quân Ukraine đã phải tự đánh chìm ở cảng Mikolaiv. Đây là hình ảnh biểu tượng cho cái chết của hải quân Ukraine.
Cả hai bên đều thiệt hại rất lớn
Tuy nhiên, chiến sự diễn ra rất căng thẳng, kéo theo thiệt hại không nhỏ cho cả hai phía.
Trong bản tin cập nhật lúc 10h00 sáng ngày 24/03, Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho hay:
Tổng cộng, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt đến nay, Nga đã phá hủy 257 máy bay không người lái, 202 hệ thống tên lửa phòng không, 1.572 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 160 bệ phóng tên lửa phóng loạt (MLRS), 633 pháo dã chiến và súng cối, cũng như 1.379 đơn vị của xe quân sự đặc chủng của quân đội Ukraine.
Ở chiều ngược lại, Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố: Tính đến ngày 23/03, đã có 15.800 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến.
Phía Nga bị phá hủy 530 xe tăng, 1.597 xe bọc thép, 280 pháo, 82 hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS), 47 hệ thống phòng không, 108 máy bay và 124 trực thăng, 1.033 đơn vị xe quân sự đặc chủng, 4 tàu nhỏ, 72 téc nhiên liệu, 50 UAV cấp độ chiến thuật, 16 thiết bị quân sự đặc chủng.
Về thiệt hại quân sự của Nga do chính Bộ Quốc phòng nước này thừa nhận: Số liệu chính thức gần nhất dừng lại ở ngày 02/03 cho thấy 498 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và 1.597 quân nhân của nước này bị thương.
Tuy nhiên, theo các nguồn khác, thì con số này có thể lớn hơn rất nhiều: Ngày 20/03, tờ báo Nga Komsomolskaya Pravda công bố con số thương vong mà Bộ Quốc Phòng Nga ước tính là 9.861 quân nhân chết và 16.153 bị thương. Ngay sau đó, phần thông tin này đã bị rút khỏi bài báo, và tờ Komsomolskaya Pravda ra thông báo rằng họ đã bị hack.
Rõ ràng, chiến sự ở Ukraine đang gây ra thiệt hại lớn về nhân mạng và trang bị vũ khí, khí tài cho cả hai phía. Dân thường cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, nhất là khi chiến sự lan rộng vào các thành phố ở Ukraine.
Các vũ khí bị Nga bắt giữ của Ukraine được giao lại cho hai nước Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng.
Lifehub tổng hợp