Nga vừa qua đã hoan nghênh quyết định của Ấn Độ trong việc không ủng hộ cơ chế áp mức giá trần đối với dầu Nga do nhóm các nước G7 đưa ra.
Tuyên bố này được đưa ra trong cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak và Đại sứ Ấn Độ tại Nga Pavan Kapoor, diễn ra ngày 9/12 tại thủ đô Moscow.
Trước đó, vào ngày 5/12, nhóm các nước G7 và các đồng minh đã quyết định áp giá trần 60 USD/thùng với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.
Phó Thủ tướng Nga Novak nhấn mạnh, nước này đang thực hiện một cách có trách nhiệm đối với các hợp đồng cung cấp các nguồn năng lượng, cũng như đa dạng hóa hoạt động xuất khẩu năng lượng sang các quốc gia ở phía Đông và phía Nam trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, lượng dầu nhập khẩu của Nga vào Ấn Độ đã tăng lên 16,35 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm 2022. Đáng chú ý, Ấn Độ vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu từ Nga bất chấp cuộc xung đột Nga-Ukraine và các lệnh cấm vận của phương Tây.
Trong cuộc gặp, hai bên cũng ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục trong thương mại giữa Ấn Độ và Nga. Lãnh đạo hai bên bày tỏ mong muốn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong việc mua bán các nguồn năng lượng như dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ, khí tự nhiên hóa lỏng, than đá và phân bón.
Phía Nga cũng đã đề nghị hợp tác với Ấn Độ trong việc cho thuê và đóng tàu công suất lớn để không phụ thuộc vào lệnh cấm dịch vụ bảo hiểm và cho thuê tàu chở dầu ở Liên minh châu Âu và Anh. Theo Phó Thủ tướng Nga, việc đưa ra mức giá trần đối với dầu Nga là một “biện pháp chống lại thị trường”, gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.
“Việc đưa ra giá trần đối với dầu mỏ của Nga là một biện pháp phản thị trường. Nó làm gián đoạn chuỗi cung ứng và có thể làm phức tạp đáng kể tình hình năng lượng toàn cầu. Các cơ chế phi thị trường như vậy sẽ phá vỡ toàn bộ hệ thống thương mại quốc tế và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong thị trường năng lượng”, ông Novak cho biết./.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết