Trong lúc tắm cho con gái, bà mẹ phát hiện nhiều vết bầm tím ở bả vai và lưng của con. Sau khi gặng hỏi thì con nói do không thuộc bài nên bị cô giáo đánh.
Ngày 11/5, chị Trần Thị P. (28 tuổi, trú xóm 5, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho biết đang đưa con gái N.T.T.Ph. (học sinh lớp 3H, trường Tiểu học Diễn Yên 1) đi khám tại bệnh viện ở TP Vinh do có nhiều vết bầm tím sau lưng và bả vai.
Theo chị P., chiều tối hôm qua (10/5) trong lúc tắm cho cháu Ph., chị phát hiện trên bả vai, lưng của con có nhiều vết bầm tím. Trước đó, đi học về cháu có kêu đau nhưng không nói với mẹ. Sau khi gặng hỏi, cháu nói rằng do không thuộc bài nên bị cô giáo đánh.
Ngay sau đó, chị P. đã báo cáo sự việc lên Ban giám hiệu trường Tiểu học Diễn Yên 1. Cũng theo chị P., cô giáo đánh cháu Ph. là cô giáo chủ nhiệm tên Trần Thị H.M.
“Tôi có báo cáo sự việc lên hiệu trưởng nhà trường. Chiều tối qua (10/5), cô hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm đã đến nhà tôi để xin lỗi”, chị P. cho biết.
Ông Mai Ngọc Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu xác nhận: “Đúng là có sự việc đó xảy ra. Hiện chúng tôi đã nắm được sự việc và yêu cầu nhà trường báo cáo cụ thể”.
Liên quan tới những vụ bạo lực học đường, mới đây, một cô giáo dạy Toán ở Thái Nguyên cũng đã nóng giận, giật tóc học sinh trong giờ học vì em này không học bài, không làm bài tập, tự do đi lại gây mất trật tự, ảnh hưởng đến lớp học. Sự việc gây xôn xao dư luận bởi cách hành xử thiếu kiềm chế, chuẩn mực của người giáo viên.
Nói về sự việc này, thạc sĩ Hà Thái Hương – ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, hành động thiếu kiềm chế của giáo viên không chỉ ảnh hưởng chất lượng dạy và học mà còn để lại hệ quả tiêu cực đến môi trường học đường, giảm sút niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục.
“Với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang chỉ đạo các nhà trường thực hiện hiệu quả các quy định của Bộ quy tắc ứng xử trong trường học; chú trọng giáo dục kỷ luật tích cực, kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau.
Bộ cũng đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các mô hình “Xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học”, “Xây dựng trường học an toàn, thân thiện”; cung cấp cho học sinh các kỹ năng ứng xử văn hóa, tạo môi trường học tập lành mạnh, trang bị các kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng cho học sinh.
Ngoài ra, việc nâng cao năng lực phẩm chất đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, chú trọng vai trò nêu gương của cán bộ quản lý và thầy cô giáo về đạo đức, lối sống và hành vi ứng xử cũng có vai trò đặc biệt quan trọng”, Thạc sĩ Hà Thái Hương nói.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết