Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh, Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu thành công thiết bị xì tháo thuốc nổ để xử lý bom mìn.
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh, Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu thành công thiết bị xì tháo thuốc nổ để xử lý bom mìn.
Xì bom mìn bằng hơi nước nóng ở nhiệt độ cao
Trung tá, TS Tô Đức Thọ, Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng làm chủ nhiệm đề tài cho biết, xử lý bom, mìn, đạn dược cấp 5 và bom, mìn, đạn dược tồn lưu thu gom được là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, phức tạp và nguy hiểm. Bom đạn tồn dư sau chiến tranh ở nước ta vẫn rất lớn. Để làm tốt các loại trên cần nhiều thời gian, tiền bạc và sức lực để xử lý.
Đối với các loại bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, đạn dược cấp 5 nhồi TNT phương pháp xử lý thông thường là hủy nổ và xì tháo thuốc nổ. Hủy nổ là phương pháp phổ biến nhưng tốn kém, nguy hiểm và gây nhiều tác động không tốt đến môi trường.
Từ thực tế này, nhóm các nhà khoa học bắt tay vào “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị xì tháo thuốc nổ phục vụ xử lý bom mìn, vật nổ cơ động”. Sản phẩm của đề tài đã cung cấp và tạo thêm trang thiết bị và phương pháp xử lý cơ động, dã chiến (khi cần thiết có thể triển khai như một trạm cố định) một cách hiệu quả các loại bom mìn vật nổ sau chiến tranh và cả đạn dược cấp 5 phải xử lý.
Phương pháp giúp tiết kiệm nhiên liệu do sử dụng thiết bị cung cấp hơi hiện đại, tái sử dụng vật liệu sau xử lý, bảo vệ môi trường do không phải hủy nổ, thu gom nước thải xử lý, giảm nguy cơ mảnh văng và sóng xung kích có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.
Đây cũng là lần đầu tiên thiết bị xì tháo cơ động có công suất, tính năng, hiệu quả, độ an toàn cao được sử dụng ở Việt Nam. Thiết bị sử dụng nguyên lý hơi nước nóng ở nhiệt độ cao làm nóng chảy thuốc nổ nhồi trong bom mìn, vật nổ còn sót sau chiến tranh, đạn dược cấp 5. Các thiết bị dạng trụ tròn, hệ thống hầm xì kết cấu mới hoàn toàn, phương pháp xử lý, dạng kết cấu chưa từng được sử dụng tại Việt Nam.
Hệ thống thiết bị dạng mô-đun, tích hợp và gắn chặt lên thùng xe bằng bulông- đai ốc tháo lắp nhanh và hệ thống dây chằng, thuận tiện cho cơ động và nhanh chóng triển khai; Bổ sung thiết bị cơ động xử lý bom, mìn, đạn dược. Bổ sung phương pháp mới trong xử lý bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, đạn dược cấp 5, góp phần phát triển kinh tế xã hội, an ninh, an toàn ở khu vực ô nhiễm bom mìn.
Thu gom thuốc nổ nhanh
Điểm đặc biệt của công trình theo Trung tá, TS Tô Đức Thọ là thiết bị chịu áp suất hơi và nhiệt độ lớn hơn kết cấu khác, giúp thời gian thuốc nổ chảy lỏng giảm nhưng tốc độ chảy lỏng thuốc nổ tăng dẫn đến thu gom thuốc nổ nhanh hơn gấp 1,5 – 2 lần (nhiệt độ tăng 1,36 lần, áp suất tăng 3,27 lần).
Qua đó, tiết kiệm nhiên liệu, thời gian trong xử lý. Hệ thống có kết cấu dạng trụ tròn, chiều dầy lớn, cửa bằng thép dày kết cấu cách nhiệt, có gioăng kín khí bằng chất dẻo chịu nhiệt và đóng mở nhanh.
Thiết bị có tính ứng dụng thực tiễn cao, sử dụng ngay trong các nhiệm vụ xử lý xì tháo thuốc nổ khi có yêu cầu của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, đáp ứng các yêu cầu do khó khăn về địa điểm xử lý, tiết kiệm, cơ động, bảo đảm an toàn.
Ngay sau khi đề tài nghiệm thu thành công, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh, đã đề nghị Bộ Quốc phòng sớm cho triển khai nghiên cứu sản xuất hàng loạt áp dụng cho các đơn vị làm công tác xử lý bom mìn, vật nổ sau chiến tranh và xử lý đạn dược cấp 5 trên toàn quốc để đảm bảo nhu cầu công tác xử lý trong nước ta hiện nay.
Đề tài tạo ra sản phẩm vật lý là hệ thống thiết bị xử lý xì tháo cơ động, dã chiến giống như một dây chuyền thu nhỏ, tích hợp lên xe, cơ động đến tận khu vực xử lý.
Công nghệ xì tháo bằng hơi nước nóng an toàn, không có nguy cơ gây mất an toàn, không có nguy cơ nổ, khả năng chịu được nhiệt độ, áp suất hơi nước nóng của thiết bị hầm xì gấp nhiều lần giá trị làm thuốc nổ chảy lỏng nên đảm bảo cho thiết bị có độ dự trữ an toàn rất cao, công suất xì tháo thuốc nổ lớn, thời gian xì nhanh chóng do các thiết bị được tối ưu hóa về độ bền và kết cấu.
Nhờ việc xử lý bom mìn dễ dàng, thiết bị đã giải phóng được đất đai ô nhiễm, tạo ra diện tích đất sạch giúp người dân có thể canh tác, phát triển sản xuất trên khu vực đã được xử lý ô nhiễm bom mìn. Điều này đã được chứng minh tại các vùng biên giới và các vùng ô nhiễm bom mìn khác khi công tác xử lý bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết