Nhà Tâm lý học Alfred Adler từng nói rằng: “Căn nguyên của mọi phiền não trên đời chính là các mối quan hệ”.
Nếu quan sát kỹ hơn, bạn sẽ phát hiện đa phần những người có EQ cao đều biết cách nói chuyện, giao tiếp tài tình. EQ chưa chắc mang lại cho bạn thành công, nhưng có thể giúp bạn tiến gần với thành công và dễ dàng chinh phục lòng người.
Rèn luyện 10 cách giao tiếp dưới đây để trở thành người ai cũng muốn gặp gỡ và gắn bó:
1. Không mặc định, không áp đặt, không định kiến: Trước khi hiểu rõ một người, bạn không nên gắn những định kiến chủ quan cho ai đó, như: “Bạn chắc chắn là…”, “Bạn chính là…”.
2. Dùng câu trần thuật để miêu tả rõ ràng cảm xúc của bản thân, tránh dùng những câu từ không rõ ràng và dễ gây hoang mang, khó hiểu đến người nghe, khiến vấn đề không được giải quyết. Thay vì nói “Tại sao bạn lại đối xử với tôi như vậy?”, bạn có thể nói “Tôi không thích cách bạn đùa giỡn như vậy, tôi cảm thấy rất khó chịu”…
3. Tìm kiếm điểm chung trước khi tỏ ra khác biệt: Không ai thích người vừa nói chuyện đã phủ định, xem thường mình. Do đó, chúng ta nên tuân thủ nguyên tắc “trước giống sau khác”. Sau khi người khác phát biểu ý kiến, hãy công nhận chuyện họ đã làm được, sau mới nói ra suy nghĩ cũng như góp ý của bản thân. Họ nghe bạn công nhận sẽ cảm thấy vui vẻ, sau đó những lời góp ý cũng dễ được họ tiếp thu và không có ấn tượng xấu về bạn.
4. Nói điều đối phương muốn nghe trước rồi mới nói điều bản thân muốn nói: Cần nói những điều khiến đối phương thấy hấp dẫn để tạo cảm giác thích thú trước. Nếu không có kiến thức về lĩnh vực yêu thích của họ, bạn có thể vờ thích thú tìm hiểu để hỏi và khơi gợi câu chuyện.
5. Tôn trọng sự riêng tư, đừng truy hỏi đến cùng: Giữa người với người lúc nào cũng có một giới hạn riêng. Người khác đã không muốn kể, bạn cũng đừng cố hỏi. Đừng nghĩ rằng bản thân và người đó thân thiết thì muốn biết hết tất cả chuyện của họ. Người khác muốn kể, tự nhiên họ sẽ tìm cơ hội kể cho bạn nghe; đối phương không muốn kể, bạn có “cạy miệng” họ cũng không nói.
6. Bí mật không được bật mí: Trong bất kỳ mối quan hệ nào, người khác kể bí mật hay chuyện riêng tư cho bạn nghe, chứng tỏ họ tin tưởng bạn. Để bù lại lòng tin này, bạn phải có ý thức bảo vệ bí mật đó, xem như là sự tôn trọng tối thiểu dành cho nhau.
7. Đừng lấy bí mật ra làm chủ đề nói chuyện quá nhiều lần: Nếu đã gọi là bí mật thì không thích hợp để nhắc đến quá nhiều. Dù đối phương đã chấp nhận chia sẻ chuyện riêng tư với bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ vui vẻ hay thoải mái khi bạn cứ nhắc đến chuyện đó.
8. Học cách lắng nghe: Không ai thích người nói leo. Lắng nghe cẩn thận người khác nói là một cách thể hiện sự tôn trọng. Đừng vội ngắt lời, cũng đừng gấp gáp thể hiện ý kiến.
9. Đừng độc chiếm quyền được nói: Bạn bè muốn tìm bạn tâm sự, là muốn bạn nghe họ nói, chứ không phải người ta nói vài câu, bạn đã thao thao bất tuyệt.
10. Đừng thử tìm cách thay đổi ai đó: Trong tâm lý học có một hiệu ứng tên là “Hiệu ứng phản tác dụng”. Khi gặp phải những quan điểm và lý luận trái ngược với nhận thức của bản thân, trong tiềm thức họ sẽ bác bỏ những điều đó và củng cố quan điểm, lý luận của mình chắc chắn hơn. Cho nên đừng cố thay đổi hay thuyết phục ai đó, bạn không có quyền và cũng không có khả năng.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết