Anh N.T.H bất ngờ cứng nửa người, không thể cử động được dù trước đó hoàn toàn bình thường. Cơ mặt phải của anh cũng bị liệt ngay lập tức, đáng sợ hơn, anh còn bị thất ngôn – rối loạn chức năng ngôn ngữ.
Trong một giờ đồng hồ từ khi xuất hiện các triệu chứng này, anh H. được đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh).
Kết quả CT Scan sọ não có hình ảnh nhồi máu não vùng đầu nhân đuôi và nhân bèo trái, chưa có tổn thương do xuất huyết não. Các bác sĩ đã hội chẩn và kết luận anh bị nhồi máu não giờ đầu.
Chỉ trong 25 phút kể từ khi nhập viện, bệnh nhân được xử trí cấp cứu bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Sau 30 phút dùng thuốc, bệnh nhân đã cải thiện cơ lực tốt, tỉnh táo trở lại, nửa người phải dần cử động được. Ngày 25/11, sau 5 ngày điều trị phục hồi chức năng, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, nói chuyện, vận động và sinh hoạt bình thường.
Đây là bệnh nhân đột quỵ may mắn được phát hiện, cấp cứu, điều trị kịp thời trong khung giờ “vàng” (6 giờ từ khi xuất hiện triệu chứng). Tại Việt Nam, chỉ 1/3 số bệnh nhân đột quỵ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong 6 giờ đầu, theo nghiên cứu mới do Bệnh viện Bạch Mai công bố hồi đầu tháng 11.
Phân biệt nhồi máu não và xuất huyết não
Đây là các dạng của tai biến mạch máu não (đột quỵ não).
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuyền, Trưởng đơn nguyên Cấp cứu của Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Nhồi máu não xảy ra khi một mạch máu bị tắc, nghẽn, gây hoại tử và chết khu vực não không được cung cấp máu, dẫn đến biến chứng đột quỵ và có thể tử vong. Nhồi máu não chiếm khoảng 80% ca đột quỵ.
Còn xuất huyết não (chảy máu não) là khi mạch máu não vỡ ra, máu đột nhiên tràn vào mô não, gây tổn thương, phù não, tụ máu làm gia tăng áp lực lên các mô xung quanh và giết chết tế bào não.
Nam giới Việt Nam bị đột quỵ nhiều hơn nữ
Theo Hội Đột quỵ thế giới, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ (15 – 49 tuổi). Có tới 6,5 triệu ca tử vong vì bệnh này, hơn 6% trong đó là người trẻ. Điều này rất đáng báo động, vì nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của gia đình và xã hội.
Hằng năm, Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ. Kết quả bước đầu từ một nghiên cứu mới được thực hiện tại 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc cho thấy, độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%.
Điều đáng lưu ý là tỷ lệ nam gặp đột quỵ nhiều hơn nữ (nam gấp 1,5 lần so với nữ), ngược lại với thế giới. Về phân loại đột quỵ, kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chung là 76% còn chảy máu não là 24%. Với người trẻ tuổi (dưới 45 tuổi), tỷ lệ nhồi máu não chiếm 50%.
Thống kê tại Bệnh viện Bãi Cháy cho thấy, từ đầu năm đến nay, đơn nguyên Cấp cứu của bệnh viện này tiếp nhận khoảng 20% bệnh nhân trẻ tuổi bị tai biến mạch máu não.
Trước thực trạng tai biến mạch máu não có xu hướng tăng ở người trẻ tuổi, các bác sĩ khuyến cáo người trẻ không nên chủ quan, cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bất thường và ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.
78% số người bị đột quỵ là do tăng huyết áp, trong khi 50% người mắc bệnh này ở nước ta không hề biết mình mắc bệnh. Điều này dẫn đến thực tế nhiều người bị đột quỵ rồi mới biết bản thân mắc bệnh tăng huyết áp. Trong khi nếu được phát hiện, điều trị và quản lý tốt tăng huyết áp, bệnh nhân sẽ kiểm soát được nguy cơ đột quỵ.
Đột quỵ xảy ra không chọn thời gian, không chọn giờ, không chọn không gian. Di chứng của đột quỵ để lại nặng nề. Cần biết các dấu hiệu nhận biết đột quỵ: mặt không cân đối, liệt mặt; sức cơ tay chân yếu hoặc liệt nửa bên; thay đổi giọng nói (nói không lưu loát, nói lắp bắp). Khi phát hiện dấu hiệu đột quỵ, phải đưa đi bệnh viện sớm, tốt nhất trong 6 giờ đầu từ khi có dấu hiệu.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết