Ngày 1/8, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam Zalo chính thức triển khai 3 gói thuê bao tháng cho người dùng tại Việt Nam. Phiên bản miễn phí vẫn khả dụng nhưng bị giới hạn về mặt tính năng. Điều này gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng những người sử dụng ứng dụng.
Zalo thu phí người dùng từ ngày 1/8
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1/8/2022, Zalo chính thức triển khai 3 gói thuê bao tháng cho người dùng tại Việt Nam. Trong đó, bao gồm gói trả phí dành cho doanh nghiệp (dạng tài khoản OA Doanh Nghiệp) sẽ gồm Dùng thử (10.000 đồng), Nâng cao (59.000 đồng) và Cao cấp (399.000 đồng).
Đồng thời, phiên bản miễn phí sẽ cắt giảm một số tính năng. Quy định mới sẽ không cho phép người lạ xem hoặc bình luận trên nhật ký của người dùng. Mỗi tài khoản Zalo giờ đây có 40 lần hiển thị/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại. Bên cạnh đó, mỗi tài khoản chỉ được phản hồi 40 hội thoại/tháng từ người lạ.
Các thay đổi quan trọng khác trên Zalo còn bao gồm danh bạ người dùng chỉ có tối đa 1000 liên hệ, tài khoản thường sẽ không còn sử dụng được username. Ngoài ra, mỗi tài khoản được mặc định có 5 tin nhắn nhanh. Nếu muốn thêm tin nhắn nhanh mới, người dùng cần xóa bớt những tin nhắn nhanh cũ.
Trước đó, Zalo từng cho biết các cập nhật này nhằm giúp người dùng quản lý quyền riêng tư của mình một cách tốt hơn. Tuy nhiên, việc triển khai thu phí từ hôm nay vẫn gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Người dùng phản ứng ra sao khi Zalo thu phí?
Một bộ phận người dùng ủng hộ thu phí, trả tiền thuê bao tháng để duy trì các quyền lợi hiện có nhưng cũng không ít người cho biết sẽ xoá ứng dụng, hoặc có lựa chọn khác thay thế.
Là một người thường xuyên sử dụng Zalo để buôn bán quần áo online, chị Trần Ngọc (28 tuổi, TP.HCM) cho biết thay đổi mới nhất của Zalo khiến việc kinh doanh của chị bị xáo trộn.
“Theo quy định mới của Zalo, những người dùng không trả tiền hằng tháng sẽ bị giới hạn danh bạ tối đa 1.000 số có thể lưu, không sử dụng username, gửi tối đa 5 tin nhắn nhanh, không thể xem hoặc bình luận trên nhật ký,…
Điều này khiến cả người bán và khách hàng đều khó kết nối với nhau, chẳng hạn khách hàng không thể tiếp cận được các bài đăng của bán hoặc người bán không thể kết bạn được với khách hàng khi tài khoản đã vượt quá số lượng cho phép“, chị Ngọc chia sẻ.
Chị Ngọc cho biết, việc đặt ra giới hạn cho tài khoản miễn phí của Zalo khiến chị phải nghĩ đến một giải pháp thay thế, giảm dần sự phụ thuộc vào Zalo.
Còn với Khoa Nguyễn (24 tuổi, hiện đang là nhân viên văn phòng tại TP.HCM), vấn đề thu phí luôn là vấn đề nhạy cảm mà người dùng nói chung cũng như bản thân Gen Z này nói riêng, rất quan tâm khi sử dụng một dịch vụ nào đó.
“Việc thu phí khiến mình cảm thấy “lười” dùng ứng dụng hơn, đặt trong bối cảnh khi có rất nhiều ứng dụng hỗ trợ các tính năng mà Zalo đang có. Cá nhân mình vẫn sẽ dùng những tính năng Zalo cho phép dùng “free”, nhưng sẽ không chi tiền để sử dụng các tính năng trong gói thu phí“, Khoa cho biết.
Theo Khoa, thay vì hạn chế các tính năng đối với phiên bản miễn phí, Zalo nên mở rộng dịch vụ, tính năng mới và tiến hành thu phí đối với những thuê bao muốn sử dụng các dịch vụ, tính năng này. Như vậy, người dùng sẽ dễ chấp nhận hơn.
Hạnh Phạm (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM), cho biết thay đổi mới đây của Zalo không ảnh hưởng nhiều đến mình.
“Các tính năng trong phiên bản miễn phí của Zalo vẫn đủ với mình vì chẳng ảnh hưởng đến việc nhắn tin, video call trò chuyện. Mình tin là những người dùng phổ thông, vốn chỉ cần sử dụng các tính năng thông thường này cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Còn với những người dùng cần sử dụng nhiều tính năng hơn, việc bỏ tiền ra để trải nghiệm cũng là một điều hợp lý“, Hạnh nói.
Số liệu vào tháng 2/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, Zalo hiện là nền tảng tin nhắn miễn phí có lượng người dùng thường xuyên lớn nhất Việt Nam với 74,7 triệu. Zalo chính thức giữ ngôi đầu bảng vào năm 2021 khi chuyển đi 620 tỉ tin nhắn, 52 tỉ phút gọi video và 14 tỉ thông báo khẩn về Covid-19.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết