“Tôi biết có rất nhiều gã khốn đã nhởn nhơ đi hết cuộc đời với sự đắc ý vì áp bức tình dục đồng nghiệp của mình mà không bị trả giá”, nhà báo Phạm Trung Tuyến viết.
MXH tối 6/4 dậy sóng trước thư ngỏ của chị Dạ Thảo Phương tố cáo PTBT Báo Văn nghệ Lương Ngọc An đã cưỡng dâm mình hơn 20 năm trước.
Trước vụ việc này, nhà báo Phạm Trung Tuyến đã có bài viết trên trang Facebook cá nhân.
Tôi nghĩ, việc đặt câu hỏi không có gì sai, nhưng đó là những câu hỏi gây tổn thương ghê gớm đối với nạn nhân (nếu họ thực sự là nạn nhân). Và, đó cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều nạn nhân đành chấp nhận im lặng chịu đựng, chấp nhận để những kẻ đốn mạt nhởn nhơ.
Tối nay, một nữ thi sĩ công khai tố cáo hành vi hiếp dâm của một đồng nghiệp từ 23 năm trước. Sự việc đã quá lâu, đã quá thời hiệu truy cứu, và chắc chắn sẽ khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng tại sao lại để lâu như vậy.
Tôi biết có rất nhiều gã khốn đã nhởn nhơ đi hết cuộc đời với sự đắc ý vì áp bức tình dục đồng nghiệp của mình mà không bị trả giá. Bởi vì nạn nhân của chúng đã không muốn hoặc không thể nói ra.
Họ không thể vì không dễ xác thực được các hành vi áp bức tình dục diễn ra trong những góc khuất.
Họ không thể vì không đánh giá được khả năng chịu đựng nỗi đau tinh thần của người thân.
Họ không thể vì những ràng buộc về công việc, sự nghiệp, và những định kiến về trinh tiết.
Họ không thể vì thiếu niềm tin vào sự công tâm của những người phán xử.
Và hơn hết, họ không thể vì không đủ sức chịu đựng nổi những câu hỏi cắc cớ hoài nghi của người đời khi mà sự việc còn chưa được làm cho sáng tỏ.
Họ không muốn vì đắn đo được mất và cho rằng mất nhiều hơn được.
Họ không muốn vì nghĩ rằng quá khứ sẽ ngủ yên và nỗi đau sẽ nguôi dần theo năm tháng.
Họ không muốn đối diện với những câu hỏi mang hàm ý phán xét của những người không quen.
Dù không thể, hay không muốn, thì nguyên nhân lớn nhất vẫn là sự hoài nghi của người đời. Bởi vì sự hoài nghi là một khoái cảm.
Hoài nghi mang đến cho người ta cảm giác mình là người lý trí, thông tuệ, và khôn ngoan. Bởi vì tỏ ra hoài nghi và đặt ra những câu hỏi đồng nghĩa với việc ta có cơ hội được phô diễn sự mạnh mẽ, sáng suốt, ưu việt của bản thân.
Sao cô ấy lại để hắn làm thế với mình?
Nếu là tôi, tôi sẽ đá cho hắn dập ***. Tôi thật bản lĩnh và mạnh mẽ!
Nếu là tôi, tôi sẽ tìm cách gài bẫy hắn để có bằng chứng. Tôi thật thông minh!
Nếu là tôi, tôi sẽ vứt cái công việc đó để làm việc khác chứ không để hắn áp bức mình. Tôi thật tự tin và giỏi giang!
Nếu là tôi, tôi sẽ nói với người thân để được bảo vệ. Tôi thật là may mắn!
Bạn mạnh mẽ, bạn tự tin, bạn thông minh, giỏi giang, hay may mắn… chúc mừng bạn! Đặc biệt là chúc mừng bạn đã không gặp phải những tên khốn có thể bằng cách này hay cách khác áp chế những khả năng kể trên của bạn để biến bạn trở thành nạn nhân.
Nhưng bạn may mắn, giỏi giang, bản lĩnh rồi thì sao? Tôi nghĩ rằng nếu bạn được như thế thì hãy cố gắng đừng trình diễn những điểm ưu việt đó bằng cách đặt ra những câu hỏi mang màu sắc phán xét và hoài nghi trong tình huống này. Bởi vì những câu hỏi ấy, bởi vì sự ưu việt của bạn không tạo nên vận may, không phải thứ có thể giúp được những nạn nhân của áp bức tình dục (nếu họ là nạn nhân).
Nếu bạn nghĩ người bị tố cáo là oan ức. Bạn đừng lo, họ luôn dễ dàng lên tiếng để bảo vệ bản thân hơn người tố cáo mình (nếu họ thực sự bị tố oan).
Người tố cáo, với việc quyết định tố cáo những chuyện như thế này, họ đã phải trả giá rất nhiều. Trong trường hợp bị kiện lại vì tội vu khống, cái giá mà họ phải trả là tất cả cuộc đời. Vì thế, không cần thiết phải tỏ ra mình ưu việt so với họ đâu.
Lifehub tổng hợp