Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa ban hành Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH, quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan LĐ-TB&XH các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình khi tham gia giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án xâm hại tình dục phải bảo mật thông tin cá nhân của người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục; có biện pháp ứng phó kịp thời, loại trừ những nguy cơ dẫn đến nạn nhân có thể tiếp tục bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác.
Kịp thời thu thập, bảo quản chứng cứ và nhanh chóng thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ ổn định tinh thần cho người bị xâm hại, bảo đảm việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật.
Bảo đảm quyền có người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi trong hoạt động tố tụng; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bảo vệ và tạo điều kiện để cho họ yên tâm học tập và lao động, đồng thời tham gia tố tụng thuận lợi.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong việc thu thập, bảo quản, đánh giá, sử dụng chứng cứ chứng minh hành vi xâm hại. Ngay khi phát hiện hành vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người có thẩm quyền kiểm tra thân thể người bị xâm hại tình dục, thu thập các dấu vết sinh học chứng minh hành vi xâm hại tình dục.
Việc thu thập chứng cứ phải kịp thời, ngay từ khi phát hiện sự việc xảy ra, phải bảo đảm vừa thu thập dấu vết, vừa ứng phó kịp thời tình huống cấp cứu, hạn chế đến mức thấp nhất số lần lấy lời khai người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định phối hợp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, phối hợp trong khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, phối hợp trưng cầu giám định…
Trường hợp có thông tin, tài liệu phản ánh về người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục thì cơ quan LĐ-TB&XH có văn bản kiến nghị khởi tố và tài liệu kèm theo gửi đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản cho Viện Kiểm sát có thẩm quyền biết.
Các cơ quan, tổ chức khác ngay sau khi phát hiện, tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác về hành vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi phải chuyển ngay cho Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an, Trạm công an, hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Thông tư cũng quy định rõ, khi lấy lời khai người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi mà nạn nhân có biểu hiện thất thường, hoảng loạn tâm lý thì có thể mời thêm người thân trong gia đình, đại diện nhà trường, chuyên gia tâm lý… để phối hợp hỗ trợ tâm lý cho người bị xâm hại.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/4/2022.
Theo LĐTĐ