Ngoài 4 bị can bị truy tố, nhiều cán bộ khác thuộc QLTT Hà Nội đã bị kỷ luật vì có trách nhiệm liên quan vụ sản xuất, buôn bán hơn 9,4 triệu quyển sách giáo khoa giả.
Ông Trần Hùng vừa bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội “Nhận hối lộ” theo Khoản 2 Điều 354 Bộ luật Hình sự. Trước khi bị bắt, ông này từng làm Cục phó Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, Tổ trưởng 304 thuộc Tổng cục QLTT Bộ Công thương.
Cùng vụ án, các bị can Lê Việt Phương (cựu Đội phó Đội QLTT số 17 Hà Nội) và hai thuộc cấp Phạm Ngọc Hải, Thành Thị Đông Phương bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Riêng bị can Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) cùng 29 người khác bị truy tố về tội “Sản xuất, mua bán hàng giả” và “Môi giới hối lộ”.
Theo cáo trạng, quá trình điều tra mở rộng vụ sản xuất, buôn bán hơn 9,4 triệu quyển sách giả tại Công ty Phú Hưng Phát, cơ quan điều tra đã làm rõ năm 2020, công ty này từng bị Đội QLTT số 17, Cục QLTT Hà Nội, kiểm tra, thu hơn 27.300 quyển sách thuộc 68 đầu mục sách giáo khoa ghi “Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam” nhưng không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Viện Kiểm sát cáo buộc, bị can Thuận biết ông Trần Hùng trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra nên cùng đồng phạm tìm cách đưa hối lộ 300 triệu đồng để được ông Hùng “giúp đỡ” xử lý nhẹ. Ông Hùng sau đó đồng ý “tha” nhưng yêu cầu bà Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu.
Ngoài ra, vị Tổ trưởng 304 thuộc Tổng cục QLTT Bộ Công thương còn hướng dẫn Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc, chuyển thành hơn 27.300 quyển sách giả thành “sách do người khác mang đến ký gửi”.
Kỷ luật hàng loạt cán bộ QLTT
Đáng chú ý, bản cáo trạng của Viện KSND Tối cao cho rằng, thời điểm hôm 15/7/2020, bị can Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) nhận 300 triệu từ bị can Thuận đem tới phòng làm việc của ông Trần Hùng. Tại đây, có mặt các ông Kiều Nghiệp (Trưởng phòng nghiệp vụ 3 Tổng cục QLTT) và ông Nguyễn Văn Kim (thuộc cấp của ông Nghiệp). Hai người này đi ăn trưa cùng ông Hải.
Viện kiểm sát xác định, ông Nghiệp, ông Kim, tham gia kiểm tra, giải quyết vi phạm của Công ty Phú Hưng Phát theo chỉ đạo của ông Trần Hùng. Tuy nhiên, không có tài liệu, chứng cứ xác định họ thống nhất, bàn bạc với Trần Hùng và Nguyễn Duy Hải trong việc tạo điều kiện không xử lý hình sự Công ty Phú Hưng Phát.
Cáo trạng cũng nhắc đến hành vi của ông Nguyễn Minh Hùng (Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội) có chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn ngày 12/8/2020 thống nhất đường lối giải quyết vi phạm tại Công ty Phú Hưng Phát; ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính với công ty. Song, ông Nguyễn Minh Hùng không trực tiếp tham gia kiểm tra, chỉ đạo việc giải quyết, chỉ được lãnh đạo Đội QLTT số 17 báo cáo kết quả kiểm tra trên điện thoại và việc tổ chức họp thống nhất xử lý hành chính Công ty Phú Hưng Phát. Do vậy, không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự nhưng phía Tổng cục QLTT Bộ Công thương đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo ông Hùng.
Đối với hành vi của lãnh đạo, cán bộ Phòng nghiệp vụ tổng hợp, Cục QLTT Hà Nội, Viện kiểm sát cho hay, Phòng được phân công nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội ra quyết định xử lý hành chính Công ty Phú Hưng Phát. Quá trình điều tra không có tài liệu, chứng cứ xác định Công ty Phú Hưng Phát cũng như Đội QLTT số 17 có sự “tác động” để Phòng đề xuất xử lý hành chính nên không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự. Tổng cục QLTT đã kỷ luật ông Đinh Quang Đức (kiểm soát viên Phòng) bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật ông Nguyễn Xuân Trung (Phó trưởng phòng) hình thức “khiển trách”.
3 người khác là ông Nguyễn Ngọc Hà (nguyên Đội trưởng Đội QLTT số 17) và hai thuộc cấp Nguyễn Thị Trang và Nguyễn Huy Hùng tham gia vào kiểm tra, thu giữ hơn 27.000 quyển sách giả, ký văn bản đề xuất Lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội tổ chức cuộc họp Hội đồng tư vấn để xử lý vi phạm của Công ty Phú Hưng Phát, ký biên bản hợp thức hóa sai phạm nhưng xét không đến mức xử lý hình sự. Họ bị Tổng cục QLTT Bộ Công thương kỷ luật cảnh cáo, hạ lương.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết