Theo số đông bạn đọc Báo Người Lao Động, nên giảm tuổi hưu xuống nữ 50 không quá 55 nam 60 trừ những người làm công tác quản lý và người làm công việc nghiên cứu khoa học.
Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít.
Xung quanh đề xuất này, Báo NLĐO đã có bài viết “Ồ ạt rút BHXH một lần: Giảm tuổi nghỉ hưu thay vì giảm năm đóng” và đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của số đông bạn đọc. Nhiều bạn đọc tiếp tục chỉ ra những bất cập của Luật BHXH hiện hành và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện chính sách, từ đó hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.
Bạn đọc Lương Hồng Tâm bày tỏ: “Rất cảm ơn Quý báo đã phản ánh những yêu cầu của người lao động khi về hưu. Tôi rất đồng quan điểm với tựa đề bài báo giảm tuổi nghỉ hưu thay vì giảm năm đóng BHXH. Theo tôi, tuổi nghỉ hưu của người lao động trực tiếp nam giới từ 55 tuổi, và nữ giới từ 52 tuổi; Còn lao động gián tiếp hoặc những người có trình độ cao thì có thể kéo dài hơn”.
Tương tự, bạn đọc Trần Thị Hương cũng cho rằng giảm tuổi nghỉ hưu cho những người làm ngoài nhà nước là hợp lý, vì công việc của họ bấp bênh , doanh nghiệp hay cắt giảm người lớn tuổi.
Một bạn đọc giấu tên nêu thực trạng: “Một số cán bộ nghỉ hưu nhà nước nhưng ra doanh nghiệp tiếp tục làm việc đó thôi. Vậy tại sao 60 hoặc 62 tuổi mới được nghỉ hưu, tại sao 50 tuổi không được nghỉ hưu và tại sao 60 hay 62 tuổi phải nghỉ hưu?
Nghỉ hay làm việc là việc riêng là quyền tự do cá nhân của mỗi con người tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, sức khoẻ…. mà sao lại quy định như vậy? Tôi còn sức làm việc thì tôi đóng góp tiếp tục và hưởng nhiều hơn, còn tôi mất sức lao động tôi hưởng phần tôi đã góp dù ít.
Tại sao tiền tôi đóng vào mà tôi phải ngồi chờ đợi để được hưởng mỗi tháng 1 ít mà không được quyền lựa chọn khác là rút 1 lần. Cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu một chính sách phù hợp thực tiễn hơn mức đóng, năm đóng, tỷ lệ hưởng… ai đủ điều kiện hưởng có nguyện vọng hưởng thì hưởng, ai chưa muốn hưởng muốn làm và đóng tiếp để hưởng cao hơn thì cứ thế mà làm mà đóng và hưởng cao.
Chứ đóng 10 năm được 45% thì 35 tuổi đã đóng đủ để có 45% lương rồi, nhưng nếu nghỉ không đóng đến 60 tuổi thì 25 năm nghỉ trước kia bị tận 50% vậy hóa ra mất trắng 10 năm đóng BHXH.
Chính sách là chính sách chung, lợi là phải lợi chung chứ không chỉ riêng cho một số người 50 tuổi muốn lĩnh lương hưu thì đóng BHXH 10 năm để 60 tuổi hưởng lương hưu. Xin hỏi toàn quốc có bao nhiêu người 50 tuổi được nhận vào làm việc để đóng BHXH 10 năm để lĩnh lương hưu. Bao nhiêu doanh nghiệp tuyển người vào làm việc tuổi 50 nhờ các vị làm chính sách liệt kê xem thử?”.
Bạn đọc Kiều Mạnh Bảo đề xuất: “Cách tính bình quân từ đầu đến hết thời gian đóng BHXH để tính lương là không phù hợp mà phải tính sáu tháng cuối kỳ đóng BHXH trước đây”.
Theo bạn đọc Thuỳ Linh, tốt nhất làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, khi nào không làm được nữa thì nghỉ rút bảo hiểm 1 lần, còn ai muốn lãnh lương hưu thì lãnh, còn ai không có nhu cầu lãnh lương hưu thì rút 1 lần.
Bạn đọc Nguyễn Huy Hoàng góp ý: “Theo tôi không nên áp đặt tuổi hưởng lương hưu, đóng đủ 15 năm là được hưởng lương lưu 45%. Ai chưa muốn nghỉ đóng tiếp mỗi năm đóng thêm 1% là vui vẻ cả làng”.
Theo nhiều bạn đọc, luật cần quy định rõ tuổi nghỉ hưu chung cho những người tham gia BHXH là từ 40-60 tuổi không phân biệt nam, nữ. Trong đó một số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù, khu vực miền núi vùng khó khăn, người lao động ngoài nhà nước, người dân tham gia BHXH tự nguyện có thể nghỉ hưu khi đủ từ 40 tuổi trở lên. Số năm tham gia đóng BHXH đủ từ 15 năm trở lên sẽ được nghỉ hưởng lương hưu.
Một bạn đọc giấu tên viết: “Theo mình thì ai cũng muốn được hưởng lương hưu khi về già để không làm phiền con cháu. Vấn đề ở đây là tuổi nghỉ hưu quá cao 60 tuổi đối với nữ và cách tính lương hưu không hợp lý.
Lao động nữ 20 tuổi làm việc ở doanh nghiệp đến 50 tuổi thì đã gần như đuối sức, bệnh đau đến thường xuyên hơn, làm việc chậm chạm hơn, nên đa số doanh nghiệp không muốn hợp đồng tiếp. Tính năm đóng BHXH 30 năm thì đủ nhưng phải trừ 20% vì nghỉ trước 10 năm, đã vậy còn tính bình quân các năm, vậy thì còn có bao nhiêu lương hưu.
Cơ quan soạn thảo nên xem xét lại cách tính sao cho hợp lý và hài hòa hơn, để người lao động đặc biệt là nữ ở các doanh nghiệp có tâm trạng vui vẻ khi về hưu hưởng tuổi già”.
Tương tự, bạn đọc Nguyễn Đức Phương Tuấn bày tỏ: “Nên điều chỉnh lại cách tính tuổi nghỉ hưu! Nam nếu tuổi đời là 57 tuổi và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 20 năm liên tục có nguyện vọng nghỉ hưu thì được nghỉ hưu đổi với nữ cũng vậy, thì tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ giảm được đáng kể”.
Tuổi nghỉ hưu quá cao khiến NLĐ nản
Bạn đọc Minh Huong đề xuất: “Theo tôi, nên giảm tuổi nghỉ hưu, trừ 1 số lĩnh vực đặc thù, còn lại với các lao động thông thường nên để độ tuổi nghỉ hưu 55-58 đối với nữ và nam là phù hợp. Thời gian đóng BHXH cũng có thể linh động từ 15-30 năm tương ứng với tỷ lệ hưởng.
Nếu để tuổi nghỉ hưu quá cao, một bộ phận NLĐ sẽ có khoảng thời gian chờ từ khi kết thúc đóng BHXH đến khi được nhận lương hưu là quá dài, khiến họ không thể kiên nhẫn chờ đợi, dẫn đến tình trạng rút BHXH 1 lần, khiến thiệt thòi cho cả 2 bên, đồng thời ảnh hưởng tới gánh nặng an sinh xã hội cho Nhà nước”.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết