VOV.VN – Nam giới có nhiều khả năng mắc một số bệnh từ khi còn trẻ. Dưới đây là 6 căn bệnh mà đàn ông phải tầm soát sau tuổi 30.
Một số cuộc khảo sát và nghiên cứu cho thấy phụ nữ có ít nguy cơ mắc các bệnh hơn nam giới. Hơn nữa, nguy cơ tử vong sớm ở nam giới cao hơn nhiều so với nữ giới do sự khác biệt về lối sống.
Theo Mạng lưới Sức khỏe Nam giới (The Men’s Health Network), tỷ lệ tử vong ở nam cao hơn nữ do mắc các bệnh tim mạch, ung thư, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,… Những người nam thường không phát hiện một số triệu chứng xuất hiện rất sớm trong đời để có thể được điều trị hoặc ngăn chặn kịp thời.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nam giới thường ít quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe và theo dõi tình trạng sức khỏe của mình. Do đó, họ dễ bị tử vong ở độ tuổi còn trẻ.
Hiện nay, số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho thấy khoảng cách tuổi thọ giữa nam và nữ đã tăng hơn 5 năm.
Những căn bệnh mà đàn ông phải tầm soát sau tuổi 30
Bệnh tim
Mặc dù bệnh tim là căn bệnh nguy hiểm đối với cả nam và nữ, nhưng các báo cáo của Mạng lưới Sức khỏe Nam giới cho thấy số người nam tử vong vì các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ tim mạch cao gần gấp đôi so với nữ.
Theo CDC, cứ 4 người đàn ông thì có 1 người mắc một số dạng bệnh tim. Thực tế, đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với họ.
Ông Gregory Burke, giáo sư và chủ nhiệm khoa khoa học sức khỏe cộng đồng tại Đại học Y khoa Wake Forest (Mỹ), cho biết, đối với nam giới, bệnh tim bắt đầu biểu hiện sớm hơn phụ nữ khoảng 10 năm. Điều này không có nghĩa là họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để ngăn chặn bệnh tiến triển khi họ lớn tuổi.
Đột quỵ
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba, sau bệnh tim và tất cả các dạng bệnh ung thư. Tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ ở nam nhiều hơn nữ là 1,25 lần.
Trầm cảm
Theo các nghiên cứu, đàn ông có nguy cơ tự tử cao hơn gấp 4 lần so với phụ nữ. Điều này cho thấy một phần nguyên nhân là do chứng trầm cảm.
Ở Mỹ, có hơn 6 triệu đàn ông được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm mỗi năm.
Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư phổ biến nhất và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư ở nam giới.
Căn bệnh này có thể điều trị được nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, nhưng ung thư tuyến tiền liệt có thể không phát triệu chứng cho đến khi nó di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Do đó, điều quan trọng là nên đi khám thường xuyên và tầm soát bệnh để được phát hiện kịp thời.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc bệnh về phổi
Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có thể bị viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng hoặc cả hai. Cả hai bệnh này đều là tình trạng gây ra tắc nghẽn luồng không khí làm cản trở quá trình hô hấp bình thường.
Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường liên quan đến sự thiếu hụt insulin hoặc giảm khả năng sử dụng insulin của cơ thể. Có hai loại bệnh tiểu đường chính: không phụ thuộc insulin (loại 2) và phụ thuộc insulin (loại 1). Bệnh tiểu đường loại 2 thường xuất hiện sau 40 tuổi và là loại phổ biến nhất. Được biết, gần 20% dân số có tình trạng này là nam giới.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết