Các chuyên gia môi trường từ Đại học Dalhousie (Canada) đã thực hiện một nghiên cứu trên diện rộng để thu thập những bức ảnh động vật hoang dã trên thế giới đang mắc kẹt với rác khẩu trang do con người vứt bừa bãi.
Từ những dữ liệu thu thập được, nhóm chọn ra một bộ sưu tập các bức ảnh gồm 114 sự cố điển hình nhất từ 23 quốc gia trên thế giới. Các bức ảnh được chụp từ tháng 4-2020 đến tháng 12-2021, trong đó phần lớn “nạn nhân” của tình trạng vứt khẩu trang bừa bãi là các loài chim.
Theo nhóm nghiên cứu, không chỉ khẩu trang mà cả găng tay, đồ bảo hộ, dụng cụ xét nghiệm một lần… trở thành loại rác thải phổ biến toàn cầu trong 2 năm đại dịch vừa qua. Ước tính có khoảng 129 tỉ khẩu trang và 65 tỉ găng tay y tế được dùng mỗi tháng trong thời gian đại dịch.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới, các loại rác thải này không được xử lý đúng quy chuẩn. Thậm chí ở không ít quốc gia đang phát triển, những chiếc khẩu trang y tế bị vứt bỏ ra ngoài môi trường mà không có bất kỳ một hình thức can thiệp hay xử lý nào.
Hệ quả là nhiều động vật đã gặp rắc rối với những chiếc khẩu trang bị bỏ đi. Nghiên cứu của Đại học Dalhousie đã bắt gặp không ít các loài cá, chim và một vài loài động vật có vú ở châu Âu, Mỹ, Á bị nạn vì loại rác thải này.
Trong 114 bức ảnh được công bố về các động vật gặp nạn do khẩu trang, số vụ được ghi nhận nhiều nhất là ở Mỹ, sau đó đến Anh, Canada, Úc… Đặc biệt 9 trường hợp được phát hiện khi đã chết.
Đại diện nhóm nghiên cứu của Đại học Dalhousie kỳ vọng những hình ảnh được công bố sẽ khuyến khích các cơ quan chức năng ở nhiều quốc gia tiếp tục đẩy mạnh quản lý các loại khẩu trang đã qua sử dụng nói riêng và rác thải y tế nói chung.
“Hàng tỉ mẩu nhỏ từ khẩu trang bỏ đi sẽ tồn tại ở rất nhiều nơi trên thế giới, từ môi trường nước đến đất, ít nhất trong hàng chục năm tới. Do đó cần một đánh giá tác động thật kỹ lưỡng để đưa ra những giải pháp giải quyết tình trạng này trong thời gian tới”, nghiên cứu viết.
Trước đó, một nghiên cứu của các nhà khoa học tại California (Mỹ) cho biết có khoảng 8,4 triệu tấn chất thải nhựa liên quan đến COVID-19 đã phát sinh tại 193 quốc gia từ khi đại dịch bắt đầu cho tới tháng 8-2021. Trong đó, khoảng 71% trong số rác thải này có khả năng trôi dạt vào những bãi biển, mang theo những mầm bệnh và mối nguy hại cho nhiều loài vật khác.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết