Những ngày qua, Công an một số quận, huyện ở Hà Nội đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội thực hiện lệnh khám xét tại nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, bước đầu xác định tại nhiều trung tâm có nhiều cán bộ đã có dấu hiệu về hành vi Nhận hối lộ.
Ngày 25-2, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã thực hiện lệnh khám xét đối với 2 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gồm Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02V, có địa chỉ tại Phú Thị, Gia Lâm và Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02S, có địa chỉ tại Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội.
Chung chia theo tỉ lệ 1.4
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm tiếp nhận đơn tố giác của một số công dân trên địa bàn huyện với nội dung tố giác các đăng kiểm viên thuộc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02V, có hành vi nhận tiền để bỏ qua lỗi của xe ôtô trong quá trình đăng kiểm xe ôtô.
Xác định nội dung tố giác có dấu hiệu của hành vi “Nhận hối lộ”, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm đã báo cáo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội để phối hợp xác minh, giải quyết đơn tố giác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm đã triệu tập làm việc với ông Đào Mạnh Thắng (SN 1970; quê ở Hải Dương), Giám đốc Trung tâm đăng kiểm, cùng các đăng kiểm viên và cán bộ, công nhân viên thuộc trung tâm đăng kiểm. Tại cơ quan điều tra, Thắng và một số đăng kiểm viên đã khai nhận hành vi nhận tiền của lái xe ôtô đến đăng kiểm để bỏ qua các lỗi nhỏ phát hiện trong quá trình đăng kiểm.
Cụ thể, từ tháng 11-2019 đến tháng 12-2022, Thắng chỉ đạo các đăng kiểm viên nhận tiền của các lái xe ôtô đến đăng kiểm để bỏ qua một số lỗi nhỏ trong quá trình đăng kiểm. Hằng ngày, Thắng được chung chia theo tỉ lệ hệ số 1.4; mỗi ngày được chung chia từ 200 đến 500 ngàn đồng tùy theo ngày thu được nhiều hay ít. Trong thời gian từ năm 2020 đến đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, số lượng xe ôtô đến đăng kiểm không nhiều nên số tiền thu được để chung chia hạn chế. Thắng khai tổng số tiền trung tâm đăng kiểm nhận được từ lái xe ôtô đến đăng kiểm đưa để được bỏ qua lỗi nhỏ từ tháng 11-2019 đến tháng 12-2022 là khoảng 500 đến 600 triệu đồng.
Riêng Thắng được chia khoảng 90 triệu đồng; mỗi đăng kiểm viên được khoảng 40 đến 50 triệu đồng; nhân viên văn phòng được khoảng 20 triệu đồng.
Mở rộng điều tra, các đăng kiểm viên gồm: Tô Văn Hải (SN 1992; trú tại quận Cầu Giấy); Hoàng Trọng Trình (SN 1985; trú tại quận Hoàng Mai); Phạm Thế Đạt (SN 1984; trú tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên); Đào Việt Tân (SN 1978; trú tại quận Long Biên) đều đã khai nhận hành vi nhận tiền và chung chi tiền từ lái xe ôtô để bỏ qua lỗi trong quá trình đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02V.
Ăn chia theo tháng
Trước đó, ngày 23-2, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm tiếp nhận đơn tố giác của một số công dân trên địa bàn huyện với nội dung tố giác các đăng kiểm viên thuộc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02S, có hành vi nhận tiền để bỏ qua lỗi của xe ôtô trong quá trình đăng kiểm xe ôtô.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 24-2, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm đã triệu tập làm việc với Nguyễn Trọng Tâm (SN 1981; trú tại phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cùng các đăng kiểm viên và cán bộ công nhân viên thuộc trung tâm đăng kiểm. Tại cơ quan điều tra, Tâm và một số đăng kiểm viên đã khai nhận hành vi nhận tiền của lái xe ôtô đến đăng kiểm để bỏ qua các lỗi nhỏ phát hiện trong quá trình đăng kiểm.
Cụ thể, từ tháng 1-2020 đến tháng 12-2022, Tâm là đăng kiểm viên thuộc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02S, được sự chỉ đạo của Nguyễn Khánh Tùng (trú tại phố Đội Cấn, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội), là Trưởng Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02S, hiện đã nghỉ hưu từ 1-1, cùng các đăng kiểm viên khác nhận tiền của các lái xe ôtô đến đăng kiểm để bỏ qua một số lỗi nhỏ trong quá trình đăng kiểm.
Hằng ngày, các đăng kiểm viên thu tiền của các lái xe đến đăng kiểm nộp lại cho Phạm Văn Vương (SN 1980; trú tại Long Biên, Hà Nội). Sau khi nhận tiền, Vương sẽ tập hợp tiền và chia lại cho Trưởng trung tâm, Phó trưởng trung tâm, các đăng kiểm viên và nhân viên trong trung tâm mỗi tháng 2 lần vào đầu tháng và cuối tháng theo tỉ lệ: Trưởng trung tâm 3 phần, Phó trưởng trung tâm 2,5 phần, đăng kiểm viên 2 phần, các nhân viên văn phòng 1 phần.
Từ thời điểm Tùng về hưu thì Tâm được bổ nhiệm làm Phó trung tâm phụ trách. Khi Tâm làm đăng kiểm viên thì mỗi tháng, Vương sẽ chia cho Tâm khoảng 4 triệu đồng tiền nhận hối lộ của các lái xe. Tính từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2022, Tâm nhận được khoảng 130 triệu đồng tiền hối lộ.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm đã ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi làm việc của Tâm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02S, Yên Viên, Gia Lâm. Quá trình khám xét, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm đã thu giữ nhiều tài liệu nghi có liên quan đến những sai phạm của Tâm cùng đồng phạm. Cơ quan CSĐT Công an huyện tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội và Viện KSND huyện Gia Lâm xác minh, điều tra, củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Trong 2 ngày 24 và 25-2, Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã phối hợp với Đội 6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội khám xét tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-05V, có địa chỉ tại số 49, đường Đức Giang, phường Đức Giang, quận Long Biên. Công an cũng khám xét chỗ ở đối với Phạm Quốc Bình (SN 1962) nguyên Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29- 05V; Ngô Văn Việt (SN 1974), Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-05V và Phạm Trọng Tuệ (SN 1980), Trưởng dây chuyền đăng kiểm Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 2905V (được giao phụ trách Trung tâm từ ngày 22-2 khi Ngô Văn Việt vắng mặt).
Qua khám xét, Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ việc. Tại cơ quan điều tra, bước đầu những người này khai nhận trong quá trình đăng kiểm, khi phát hiện lỗi của phương tiện đăng kiểm (lỗi về đèn, phanh, khí thải…) thì đăng kiểm viên đã trực tiếp nhận tiền của các chủ phương tiện để bỏ qua cho phương tiện được cấp giấy, tem chứng nhận lưu thông trên đường. Số tiền nhận từ chủ phương tiện dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/1 phương tiện, tùy theo mức độ lỗi của các phương tiện.
Ngày 25-2, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh đã tiến hành khởi tố, bắt khẩn cấp 5 bị can và ra lệnh khám xét khẩn cấp Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-07D, có địa chỉ tại xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội.
Các bị can bị khởi tố gồm: Lê Thành Chung (SN 1982, trú tại Trung Hậu Đông, Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội), Giám đốc và Hoàng Tuấn Anh (SN 1983, trú tại khối 11, Phủ Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội), Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-07D.
Cùng các đăng kiểm viên: Đào Huy Chung (SN 1977, trú tại 340 Lạc Trung, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội); Lê Văn Ngọc (SN 1989, trú tại Đinh Xá, TP Phủ Lý, Hà Nam) và Đỗ Văn Huân (SN 1992, trú tại Phúc Quang, Hải Hà, Hải Hậu, Nam Định).
Quá trình đấu tranh, bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh xác định, từ năm 2015 đến 2022, các đối tượng trên đã thông đồng, bỏ qua các lỗi vi phạm về đăng kiểm xe cơ giới (lỗi về đèn, phanh, khí thải) thông thường và bỏ qua lỗi về trọng tải đối với việc hoán cải cẩu để nhận tiền từ khách hàng 100.000 đến 200.000 đồng/xe. Số tiền nhận được lên hàng trăm triệu đồng sau đó chia đều cho các đối tượng.
Trước đó, ngày 24-2, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Hoàng Mai phối hợp với Đội 2, Phòng Cảnh sát kinh tế; Đội 4, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp về hành vi nhận hối lộ để bỏ qua lỗi của phương tiện khi đến đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-10D.
Quá trình khám xét đã tạm giữ 18 cây máy tính, nhiều thùng tài liệu, hồ sơ và hơn 137 triệu đồng. Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai đưa toàn bộ nhân viên trung tâm về trụ sở để tiếp tục điều tra, mở rộng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết