Nhiều bị cáo phạm tội tham ô, tham nhũng nộp tiền để khắc phục hậu quả được giảm án sâu, thậm chí có những người thoát án tử.
Những năm gần đây, tại các phiên tòa xét xử các bị cáo phạm tội liên quan đến kinh tế, chức vụ hoặc tham ô, tham nhũng, việc người phạm tội nộp tiền để khắc phục hậu quả nhằm hưởng sự khoan hồng của pháp luật dần trở nên phổ biến. Dư luận băn khoăn, liệu rằng việc nộp tiền tỉ khắc phục hậu quả có phải là “kim bài miễn tử”, “cách thức” để giảm án đối với tội phạm kinh tế, tham nhũng?
Điển hình như mới đây, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C. Với phán quyết này, nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội đã được giảm án 3 năm tù giam (án sơ thẩm tuyên 8 năm tù) sau khi gia đình bị cáo này nộp đủ 25 tỉ đồng khắc phục hậu quả vụ án.
Trước đó, tại vụ án này, bị cáo Nguyễn Đức Chung bị truy tố, xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, có khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù. Trong phiên sơ thẩm đầu tháng 12-2021, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội đã đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt nguyên chủ tịch Hà Nội mức án từ 10 đến 12 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố.
Khi đang đến phần tranh tụng, luật sư bào chữa cho ông Chung đã bổ sung thêm tài liệu mới tại phiên tòa là phiếu nộp tiền của gia đình bị cáo này nộp số tiền 10 tỉ đồng cho Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội. Số tiền nêu trên, gia đình bị cáo Chung nộp nhằm bảo lãnh cho trường hợp nguyên chủ tịch Hà Nội bị tuyên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án thì sẽ khấu trừ vào số tiền bảo lãnh này.
Ghi nhận tình tiết mới này, đại diện VKSND đã quyết định thay đổi mức án đề nghị đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung từ 10-12 năm tù xuống còn từ 8-10 năm tù. Sau khi nghị án, HĐXX sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung 8 năm tù, buộc bị cáo phải liên đới bồi thường 25 tỉ đồng cho nguyên đơn dân sự.
Như vậy, cùng với những diễn biến giống nhau tại 2 cấp phiên toà nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội đều nộp tiền khắc phục 25 tỉ đồng, trong đó phiên sơ thẩm 10 tỉ và phúc thẩm 15 tỉ đồng. Qua đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã được cả 2 cấp phiên toà giảm án và chỉ còn một nửa án so với khung truy tố.
Tương tự, đầu tháng 11-2021, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) Nguyễn Duy Linh bị đưa ra xét xử về tội Nhận hối lộ theo khoản 4, Điều 354 BLHS 2015, có mức hình phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Trong quá trình điều tra truy tố, trong phần xét hỏi tại phiên toà, bị cáo Linh luôn phủ nhận việc nhận hối lộ 5 tỉ đồng từ Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”). Tuy nhiên, sau đó nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo bất ngờ thừa nhận hành vi phạm tội; đồng thời tác động gia đình nộp đủ số tiền 5 tỉ đồng nhận hối lộ. Ghi nhận tình tiết này, HĐXX sau đó đã tuyên phạt nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo 14 năm tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Điển hình trong các vụ án thoát án nhờ nộp hình phạt đó là là nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son. Trong phiên sơ thẩm cuối năm 2019, bị cáo Nguyễn Bắc Son bị đại diện thực hành quyền công tố tại phiên toà đề nghị HĐXX tuyên án tử hình về tội Nhận hối lộ trong vụ mua bán cổ phần tại AVG.
Trước ngày tuyên án, gia đình nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nộp tiền, khắc phục hoàn toàn số tiền 3 triệu USD mà bị cáo này nhận hối lộ. Xét tình tiết giảm nhẹ này, HĐXX cho rằng không cần thiết phải áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son. Sau đó, bị cáo Son đã được toà tuyên án chung thân.
Tương tự trường hợp bị cáo Son, sau khi nộp số tiền 37 tỉ đồng vừa đủ để nộp khắc phục hậu quả, đúng bằng 3/4 số tiền 49 tỉ đồng nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) Nguyễn Xuân Sơn đã được Tòa phúc thẩm kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Sơn từ tử hình xuống chung thân sau khi bị cáo Sơn khắc phục ít nhất 3/4 hậu quả.
Đánh giá về việc người phạm tội nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án để được hưởng mức án khoan hồng, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn Phòng Luật Sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho rằng thực tiễn cho thấy, trong các vụ án hình sự mà bị cáo không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải, không nhận thức được hành vi phạm tội của mình và cũng không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì dù người thân trong gia đình có bồi thường khắc phục thay, kết quả giải quyết vụ án cũng rất khó có thể thay đổi.
Có những vụ án mặc dù cấp phúc thẩm xác định có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng xét thấy tính chất của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng thì tòa án cấp phúc thẩm vẫn có thể giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm. “Theo quy định của pháp luật, có nhiều yếu tố tác động đến hình phạt, trong đó có yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi. Hình phạt chỉ đặt ra khi bị cáo có tội. Do đó, trường hợp bị cáo không nhận tội và tòa án không đủ căn cứ kết tội thì có thể sẽ tuyên bố bị cáo không phạm tội và không đặt ra vấn đề hình phạt” – luật sư Cường nhấn mạnh.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết