Cơ quan chức năng phát hiện cơ sở đang kinh doanh 1 tấn ức vịt đông lạnh và 180kg cánh gà đông lạnh không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc nơi sản xuất…
Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, ngày 1/12, Đội Quản lý thị trường số 22 – Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp Đội 4 Phòng Cảnh sát Môi trường – Công an thành phố Hà Nội và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh thuộc Hộ kinh doanh Quang Định tại địa chỉ số 483 đường An Dương Vương, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm do ông Vũ Văn Định là chủ kinh doanh.
Qua kiểm tra, đã phát hiện cơ sở đang kinh doanh 1 tấn ức vịt đông lạnh và 180kg cánh gà đông lạnh không có hóa đơn chứng từ, không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết của cơ sở là: 37.200.000 đồng.
Dự kiến hành vi vi phạm hành chính là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa vi phạm là thực phẩm, có giá trị 37.200.000 đồng. Mức phạt tiền là 25.000.000 đồng, buộc tiêu hủy 1.180 kg ức vịt và cánh gà đông lạnh.
Vào đầu tháng 10/2022, Phòng 6, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã triệt phá một kho hàng thực phẩm đông lạnh với quy mô lớn tại địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội.
Trước đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm 2022, dịp Tết Dương lịch; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Kế hoạch nêu rõ: Về công tác kiểm tra, xử lý hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ: Tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý có trọng tâm, trọng điểm các đối tượng kinh doanh, hoạt động có tổ chức tập kết, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, chú trọng đấu tranh các mặt hàng thuốc lá nhập lậu (bao gồm xì gà, thuốc lá điện tử), pháo nổ, đồ chơi ảnh hưởng tới sức khỏe và nhân cách trẻ em; thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt gia súc gia cầm nhập lậu; quần áo thời trang may sẵn, vải; hàng điện tử điện lạnh, đồ điện gia dụng; thực phẩm bánh kẹo rượu, bia, nước giải khát nhập lậu, xăng dầu, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… các nguyên liệu, phụ gia nhập lậu vi phạm an toàn thực phẩm dùng để sản xuất chế biến hàng công nghiệp thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao trong các dịp lễ, Tết.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết