Theo thống kê của Bộ Y tế, số người mắc Covid-19 tuần trước giảm còn 500-700 ca/ngày thì gần đây đã tăng trên dưới 1.000 ca/ngày. Cùng với đó, số ca nặng phải thở máy, điều trị tích cực cũng tăng.
Trong bối cảnh biến thể BA.4 và BA.5 đã xâm nhập Việt Nam, số ca mắc có xu hướng tăng thì nhiều người vẫn đang ngần ngại tiêm các mũi vắc-xin phòng Covid-19 bổ sung, nhắc lại.
Số ca Covid-19 khám, điều trị tăng
Theo Bộ Y tế, gần 100% người dân ở độ tuổi từ 18 trở lên đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cơ bản; khoảng 70% trong số này đã được tiêm mũi 3 (mũi bổ sung). Ngoài ra, gần 99% người từ 12 đến dưới 18 tuổi đã được tiêm 2 mũi vắc-xin cơ bản và đang tiêm mũi 3. Nhiều trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng được tiêm mũi cơ bản.
Bộ Y tế đánh giá Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỉ lệ tiêm vắc-xin cao nhất thế giới. Theo đó, tỉ lệ bao phủ mũi 2 trên tổng dân số đạt xấp xỉ 80%, vượt 30% so với mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… Tuy nhiên, thời gian qua, do dịch đã được kiểm soát nên nhiều người ngần ngại, không muốn tiêm các mũi 3 và 4.
Chị Trần Bích Diệp – ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội – cho biết sau khi tiêm 2 liều vắc-xin, một thời gian sau, cả nhà chị mắc Covid-19. Đến nay, các thành viên đều đã khỏi bệnh hơn 4 tháng nhưng không ai muốn đi tiêm mũi 3. Chị Diệp giải thích: “Tôi nghĩ đã mắc Covid-19 là có miễn dịch rồi nên không muốn tiêm vắc-xin nữa vì sau tiêm, ai trong nhà cũng sốt, đau đầu, mệt mỏi 3-4 ngày. Gần đây, khi nghe xuất hiện biến thể mới, tôi đã động viên bố mẹ đi tiêm. Bố mẹ tôi tuổi cao lại có bệnh nền nên nguy cơ mắc bệnh cao”.
Nhân viên một trạm y tế ở Hà Nội cho biết để chủ động trong việc tiêm các mũi bổ sung và nhắc lại, người dân chỉ cần cho biết mã định danh cá nhân, mang CMND hoặc căn cước công dân và giấy chứng nhận đã tiêm chủng đến điểm tiêm theo thông báo. Dù thủ tục đơn giản hơn rất nhiều nhưng số người đến tiêm các mũi bổ sung, nhắc lại vẫn rất thấp.
Theo thống kê của Bộ Y tế, số người mắc Covid-19 tuần trước giảm còn 500-700 ca/ngày thì gần đây đã tăng trên dưới 1.000 ca/ngày. Cùng với đó, số ca nặng phải thở máy, điều trị tích cực cũng tăng.
Bác sĩ Trần Văn Giang, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết bệnh viện này đang phải điều trị cho 60 bệnh nhân Covid-19 với các triệu chứng nặng, trong khi 1 tháng trước chỉ có 20-30 người nhập viện. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (TP Hà Nội), theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên chống dịch, 2 tuần trở lại đây, bệnh viện ghi nhận số bệnh nhân mắc Covid-19 đến khám ngày càng tăng. Có ngày, khoảng 20 bệnh nhân đến khám Covid-19, trong khi những tuần trước trung bình chỉ 4-5 ca/tuần.
“Lá chắn” hữu hiệu
GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, cho hay thời gian qua, khi dịch Covid-19 lắng xuống, tốc độ tiêm chủng vắc-xin ở nhiều địa phương chậm lại. Điều tra sơ bộ cho thấy một số người không muốn tiêm mũi bổ sung, nhắc lại vì thấy dịch Covid-19 đã qua. Một số người cho rằng đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản, đã mắc Covid-19 là đủ miễn dịch nên không cần phải tiêm nữa. Cũng có người e ngại tiêm sẽ bị các phản ứng phụ, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài…
“Một số người băn khoăn rằng họ mắc Covid-19 thì phản ứng rất nhẹ nhưng khi tiêm vắc-xin thì lại sốt, đau người, đau chỗ tiêm. Tuy nhiên, cần hiểu rằng vì trước đó, do đã tiêm vắc-xin nên khi nhiễm virus, bệnh không trở nặng. Hơn nữa, việc gặp một số phản ứng phụ sau tiêm chỉ mất 1-2 ngày nhưng tiêm vắc-xin sẽ được bảo vệ lâu dài hoặc khi có biến thể mới, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì cũng yên tâm hơn” – GS Lân khuyến cáo.
Nhiều chuyên gia y tế nhấn mạnh sau khi mắc Covid-19 và tiêm đủ liều vắc-xin cơ bản, miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian nên việc tiêm mũi 3, mũi 4 sẽ giúp củng cố miễn dịch. Theo ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, nghiên cứu trên 32.000 ca Covid-19 tử vong tại nước ta cho thấy gần 53% trường hợp chưa tiêm bất cứ mũi vắc-xin nào.
Ông Dương nhấn mạnh nhiều nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định hiệu quả bảo vệ của vắc-xin trước đại dịch Covid-19. Các nghiên cứu cho thấy sau 3 tháng tiêm đủ 2 mũi, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin sẽ giảm dần. Sau 3 tháng, hiệu quả bảo vệ chỉ còn 51%; sau 4-5 tháng, hiệu quả tiếp tục giảm, thậm chí chỉ còn 10%-20%.
Theo Bộ Y tế, gần đây, Việt Nam đã phát hiện nhiều ca mắc biến thể BA.4 và BA.5 ở Hà Nội, TP HCM… Với việc mọi sinh hoạt, đi lại, giao thương, du lịch khắp nơi đã bình thường như hiện nay thì biến thể mới này xâm nhập các địa phương khác chỉ là vấn đề thời gian.
Các chuyên gia cũng lưu ý nếu biến thể phụ BA.4, BA.5 “lấn sân” và những người mắc biến thể cũ có thể tái nhiễm thì số ca mắc có thể tăng, tạo làn sóng dịch Covid-19 mới. Đến nay, vắc-xin phòng Covid-19 vẫn được coi là “vũ khí” hiệu quả, an toàn nhất để chống dịch.
“Vắc-xin phòng Covid-19 vẫn là “lá chắn” bảo vệ cộng đồng, kể cả với những biến thể khác. Minh chứng là hơn 2 năm qua, virus SARS-CoV-2 đã thay đổi từ chủng gốc cho đến Alpha, Beta, Delta và Omicron nhưng vắc-xin Covid-19 vẫn là giải pháp ngăn ngừa hiệu quả. Các nghiên cứu so sánh giữa người mắc tiêm thêm vắc-xin và người mắc không tiêm thì nhóm người mắc tiêm mũi bổ sung, nhắc lại có kháng thể tăng rất cao, thời gian bảo vệ lâu hơn” – GS Phan Trọng Lân phân tích.
Trong bối cảnh các ca mắc BA.4 và BA.5 gia tăng, WHO cho rằng vắc-xin sẽ làm giảm sự xuất hiện và tác động của biến thể mới. Bà Socorro Escalante, quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đánh giá dịch Covid-19 vẫn phức tạp và có khả năng gia tăng trở lại. Biến chủng Omicron hiện là chủ yếu nhưng vẫn chưa phải là cuối cùng. WHO tiếp tục khuyến cáo các quốc gia cần duy trì, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm nguy cơ cao và tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Hàng tỉ liều vắc-xin đã được sử dụng
Theo GS Phan Trọng Lân, chưa bao giờ một số lượng vắc-xin khổng lồ lại được sử dụng trên toàn thế giới trong thời gian ngắn như vắc-xin Covid-19. Chỉ trong 2 năm qua, hàng tỉ liều vắc-xin đã được tiêm cho người dân trên toàn thế giới và được giám sát rất chặt chẽ.
“Chỉ cần có một sự bất thường về vắc-xin ở vùng nào đó, lập tức vắc-xin đang được sử dụng sẽ bị dừng trên toàn cầu. Như vậy, có thể thấy rằng sự an toàn và hiệu quả của vắc-xin Covid-19 luôn được theo dõi, giám sát để bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dân” – ông nhấn mạnh.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết