Tôi đã bật khóc khi xem quá trình cho một cái chết được chuẩn bị trước rõ ràng. Người cha hét lên rất hoảng loạn, trái tim của các ông bố, bà mẹ cũng vỡ vụn theo…
Thông tin một cậu bé lớp 10 học tại một trường THPT chuyên nổi tiếng tại Hà Nội nhảy lầu tự tử vào sáng ngày 1/4 khiến nhiều người; trong đó có các bậc làm cha, làm mẹ bàng hoàng. Vẫn lý do muôn thuở “áp lực học hành”, chuyện có vẻ xưa như trái đất, nhưng nó vẫn diễn ra.
Thế nhưng, khi clip về toàn bộ diễn biến cho một cái chết được chuẩn bị trước của cậu bé lộ ra thì có lẽ cũng như tôi, bao ông bố, bà mẹ đã nghẹn thắt nơi lồng ngực. Bởi mọi sai lầm đều có khả năng sửa chữa, chỉ có tính mạng con mình thì không có cách nào lấy lại được…
Ai đó có trách người cha thì cũng thật tội nghiệp ông bố ấy. Tiếng la hét thất thanh lúc cậu bé trèo lên thành ban công và thả người xuống, có lẽ cảm giác ấy nó kinh khủng hơn cả người thực hiện nó… Chỉ là ông bố kia làm sao biết điều gì đang diễn ra trong đầu con mình?
Con tôi hiện nay học lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10, một dấu mốc cực kỳ quan trọng, nhưng con thì vẫn rất từ từ với chuyện học hành. Game và MXH xuất phát từ hệ lụy của việc học online dường như đã choán hết tâm trí thằng bé. Đôi khi tôi cũng ngạc nhiên, vì đứa trẻ tình cảm ngày trước khi mẹ đi công tác xa nghe tiếng sấm cũng lo cho mẹ ở phía bên kia mà rồi… một ngày bỗng không còn cần mình. Cũng như nhiều ông bố bà mẹ khác tôi cũng có khi quát mắng con, có khi đã phát điên với việc học hành lười nhác và chuyện ham game của trẻ.
Cả thế giới của con giờ thu lại bằng việc học hành và… những niềm vui rất lạ. Hôm nay tôi nói với con rằng: “Mẹ thật sự lo sợ khi đến lúc người ta cảm thấy kiến đốt vào đít rồi mà con vẫn bình chân như vại”. Thằng bé bảo: “Con sẽ học dân lập, còn hơn đi thi mà bị trượt”.
Tôi cảm thấy có phần kinh ngạc khi mẹ nó xưa kia học trường chuyên, còn con tôi đến giấc mơ thi đỗ cấp 3 cũng quả quyết… từ bỏ sớm. Cuộc nói chuyện bỏ lửng với những cảm xúc lẫn lộn. Tôi có thể đọc được ở đó tấm barie ngăn cách là dòng chữ… KHÔNG HIỂU NHAU.
Và rồi, chiếc clip xuất hiện, sẽ không quá bất thường nếu kim đồng hồ chỉ khoảng hơn 3h30 sáng. Tôi có thể rất thông cảm với người bố kèm con học thời điểm này bởi có lúc tôi cũng phát điên lên như thế với con mình: “Nay không làm bài tập xong thì đừng có đi ngủ”.
Bởi khi sự việc đã xảy đến, nếu nhìn lại thì có quá nhiều thứ để phán xét, 3h30 sáng sao anh ấy vẫn còn “canh” con học bài? Ông bố ấy sẽ không bao giờ có thể biết rằng trong đầu con mình đã lập hẳn kế hoạch cho 1 sự giải thoát kinh khủng…
Một bên là kỳ vọng, bên còn lại… trầm cảm!
Nhưng đâu phải phụ huynh nào cũng biết những diễn biến trong đầu lũ trẻ, đặc biệt khi những bất thường chỉ lộ ra sau cái giây phút kinh khủng đó.
Trong lá thư tuyệt mệnh để lại, nam sinh này đã viết như thể cậu ấy đã chuẩn bị để thực hiện việc này từ lâu, chỉ là cậu không báo trước cho ai biết mà thôi:
“Không hẳn là cuộc sống con khổ sở mà có thể chỉ là con hèn…”
Dòng chữ đau đớn nam sinh để lại “cứa” vào tim những người làm cha làm mẹ.
Cuối cùng thì cậu viết: “Tạm biệt. 1/4 luôn, đời như đùa vậy”. Nhưng cậu không hề đùa, cậu bé đã chọn một sự giải thoát đau đớn dù tự nhận cuộc sống không khổ sở.
Và vào ngày Cá tháng Tư đã có 1 đứa trẻ không đùa khi chọn cách rời đi mà bất cứ người làm cha làm mẹ nào cũng cảm thấy nghẹn thắt nơi lồng ngực.
Hóa ra, luôn có nhiều thế giới như thế!
Thế giới của phụ huynh là “có mỗi việc học mà không ra hồn, trong khi phụ huynh bận bịu kiếm tiền nuôi ăn học và làm bao nhiêu việc không tên khác” hoặc “nó có biết thương gì mình đâu”, “lúc nào cũng chỉ game và game, ăn rồi không lo học hành”…
Thế giới của con là “ý kiến của mình chẳng thực sự quan trọng” và rồi dần dần cậu đã chuẩn bị cho một ngày thả trôi hết những học hành, những lời quát mắng, thậm chí thả cả những bản nhạc chưa nghe hết… chỉ là để không còn phải nghĩ gì nữa.
Thương cậu bé bao nhiêu thì đau lòng bấy nhiêu với cảm giác của người cha, người mẹ. Có lẽ cũng như họ, tôi đã nghĩ đơn giản hơn cho những điều có nguy cơ xuất hiện trong đầu 1 đứa trẻ tuổi teen. Sự kỳ vọng này, âu lo này, yêu thương này, chăm sóc này rồi cuối cùng được đền đáp bằng một lần đứa trẻ của mình chọn… tự do theo cách chúng nghĩ.
Đã từ lâu tôi cũng không thực sự ngồi trò chuyện cùng con mình để hiểu con tôi vui chuyện gì, buồn chuyện gì, đã phải CHỊU ĐỰNG điều gì?
Đã từ lâu, tôi đã nghĩ đến cảm xúc của mình nhiều hơn việc nghĩ về thế giới có vẻ giản đơn của những đứa trẻ chưa phải lo kiếm tiền, có mỗi việc học?
Đã từ lâu, tôi chỉ nhận ra là con mình đổi thay, mà không nhận ra mình đã biến đổi từ một bà mẹ đầy bao dung khi chúng còn bé thành một bà mẹ hay phán xét và đầy áp đặt, thiếu sự ghi nhận.
Đã từ lâu tôi quên để ý đến cảm xúc và những thay đổi bên trong con mình. Chúng ta ai cũng có 1 thế giới để sống, hãy cố gắng nhìn bằng thế giới quan người ấy, nếu không rất có thể điều dễ dàng với người này nhưng lại là phức tạp với người kia.
Tôi đã lén mở cửa phòng con, nhìn cu cậu đang say giấc và nghĩ về cuộc hội thoại lúc ban chiều mà trào nước mắt. “Con học sao cũng được, mẹ chỉ cần con khỏe mạnh ở đó thôi”, tôi đã thì thầm như thế! Bởi có những điều dù ai đúng hay sai cũng không thực sự quan trọng, quan trọng chỉ là còn cơ hội để sửa chữa hay không?
Kim đồng hồ đã chỉ sang ngày 2/4, câu chuyện quá thật và quá đau lòng của ngày Cá tháng Tư này như một lời cảnh tỉnh cho những người làm cha, làm mẹ.
Hãy thấu hiểu và bao dung hơn với những đứa trẻ của mình.
Hãy tôn trọng một thế giới khác của con
Hãy làm ơn đi để ý kĩ hơn những biểu hiện bất thường ở chúng.
Bởi dù chính tay cậu bé viết “Tạm biệt. 1/4 luôn, đời như đùa vậy” thì cũng là lúc cậu ấy đã thôi không còn muốn đùa!
Lifehub tổng hợp