Phương Tây đang gia tăng sức ép lên Nga sau khi nước này tiến hành một cuộc tấn công tổng lực vào Ukraine.
Trong một diễn biến mới nhất, Canada, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu ngày 26/2 đã đồng ý loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT và áp đặt nhiều biện pháp hạn chế đối với ngân hàng trung ương của Nga, theo hãng tin Reuters.
Vậy hệ thống SWIFT là gì, và việc bị loại khỏi hệ thống này ảnh hưởng như thế nào đến Nga?
Hệ thống SWIFT là gì?
SWIFT là từ viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu. Có trụ sở tại Bỉ, SWIFT cung cấp một hệ thống nhắn tin an toàn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiền xuyên biên giới và được hàng nghìn tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia, bao gồm cả Nga sử dụng, theo kênh NDTV.
Trong năm 2021, hệ thống nhận được trung bình 42 triệu tin nhắn mỗi ngày trong năm ngoái để thực hiện các giao dịch thanh toán. Khoảng một nửa trong số tất cả các khoản thanh toán xuyên biên giới có giá trị cao được thực hiện trên nền tảng này.
Ông Alexandra Vacroux, giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu Nga và Á-Âu tại Đại học Harvard ở Massachusetts, cho biết SWIFT giống như một “mạng xã hội dành cho các ngân hàng”.
Ai kiểm soát hệ thống SWIFT?
Theo tờ USA Today, SWIFT chịu sự giám sát của ngân hàng trung ương G-10 (Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Hà Lan, Vương quốc Anh, Mỹ, Thụy Sĩ và Thụy Điển), cũng như Ngân hàng Trung ương châu Âu – với giám sát chính thuộc về Ngân hàng Quốc gia Bỉ.
Năm 2012, khuôn khổ này đã được xem xét và một Diễn đàn Giám sát SWIFT được thành lập, trong đó các ngân hàng trung ương G-10 sẽ làm việc cùng với các ngân hàng trung ương khác từ các nền kinh tế lớn: Ngân hàng Dự trữ Úc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Cơ quan Tiền tệ Hong Kong, Ngân hàng Dự trữ của Ấn Độ, Ngân hàng Hàn Quốc, Ngân hàng Nga, Cơ quan Tiền tệ Saudi Arabia, Cơ quan Tiền tệ Singapore, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi và Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.
Căng thẳng Nga và phương Tây
Mỹ và các đồng minh còn tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn ngân hàng trung ương Nga sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ theo những cách có thể làm suy yếu các biện pháp trừng phạt.
Giới lãnh đạo EC, Pháp, Đức, Ý, Anh, Canada và Mỹ cũng có kế hoạch hạn chế việc bán cái gọi là hộ chiếu vàng, vốn bị xem là kẽ hở cho phép những người Nga giàu có và có mối liên hệ với Điện Kremlin trở thành công dân ở các quốc gia khác để truy cập vào một số hệ thống tài chính nhất định.
Đây là đợt trừng phạt mới nhất được phương Tây áp vào Nga sau khi quốc gia này tấn công Ukraine.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hoan nghênh bước đi của Mỹ và đồng minh khi khẳng định trên mạng xã hội Twitter rằng: “Ukraine đánh giá cao sự hỗ trợ và giúp đỡ thực sự của các bạn trong thời kỳ đen tối này. Người dân Ukraine sẽ không bao giờ quên”.
Trước đó 1 ngày, Mỹ cùng Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã công bố lệnh trừng phạt cá nhân nhằm vào Tổng thống Vladimir Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavro của Nga.
Nga sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu bị cấm tham gia SWIFT?
Theo NDTV, khoảng 300 ngân hàng và tổ chức hàng đầu của Nga đang sử dụng SWIFT, hơn một nửa số tổ chức tín dụng của Nga có đại diện trong SWIFT. Nga được xếp hạng thứ hai về số lượng người dùng nền tảng này, sau Mỹ.
Việc loại trừ các ngân hàng Nga khỏi SWIFT sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của nước này với các thị trường tài chính trên thế giới. Nếu các biện pháp trừng phạt này được thực hiện, nó sẽ ảnh hưởng đến thương mại của Nga và khiến các công ty Nga khó kinh doanh hơn.
Vì các công ty Nga sẽ mất quyền truy cập các giao dịch thông suốt, các công ty sẽ không thể nhận các khoản thanh toán cho các sản phẩm năng lượng như khí đốt và dầu.
Theo chuyên gia Markos Zachariadis, giáo sư công nghệ tài chính và hệ thống thông tin tại Đại học Manchester, loại một nước ra khỏi SWIFT gần giống như việc loại nước đó khỏi internet.
“Hãy tưởng tượng tất cả các tổ chức này hoạt động trực tuyến. Họ có khách hàng nơi họ gửi thông tin và giao dịch nhưng đột nhiên không có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng này” – chuyên gia này nói.
Bà Maria Shagina – chuyên gia trừng phạt quốc tế có trụ sở tại Helsinki nói việc cấm Nga tham gia SWIFT có thể gây ra hậu quả tàn khốc như đối với Iran, quốc gia đã bị từ chối truy cập vào hệ thống vào năm 2012.
Bà viết: “Nga phụ thuộc rất nhiều vào SWIFT do xuất khẩu hydrocacbon bằng đồng USD. Việc cắt giảm này sẽ chấm dứt tất cả các giao dịch quốc tế, kích hoạt sự biến động tiền tệ và gây ra dòng vốn lớn”.
Nga có thể sử dụng các hệ thống thay thế nào không?
Nga từng bị đe dọa bằng các lệnh trừng phạt tương tự khi sáp nhập Crimea vào năm 2014. Từ đó, Ngân hàng Trung ương Nga bắt đầu có kế hoạch phát triển một giải pháp thay thế SWIFT – Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS). Tuy nhiên, nó không tiên tiến và an toàn như SWIFT.
Tính đến tháng 2 năm 2020, hơn 400 ngân hàng Nga đã tham gia SPFS, vượt quá số lượng ngân hàng Nga đăng ký SWIFT, theo ông Harley Balzer – chuyên gia về Nga và quan hệ Nga-Trung, và là giáo sư danh dự tại Đại học Georgetown ở Washington, D.C.
Chính phủ Nga đã trợ cấp cho các ngân hàng để khuyến khích họ sử dụng SPFS. Điều này đã khiến các ngân hàng ở nước này muốn trở thành một phần của SPFS vì nó làm giảm chi phí của họ.
Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có khoảng một chục ngân hàng nước ngoài đang sử dụng SPFS, bao gồm một ngân hàng Trung Quốc, có nghĩa là “nó thực sự sẽ không giúp ích nhiều cho Nga đối với chuyển khoản thanh toán quốc tế” – ông nói.
Nga phản hồi cách biện pháp trừng phạt từ phương Tây
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 26/2 cho biết các lệnh trừng phạt hiện nay chống Nga có thể là lý do để Moskva xem xét lại quan hệ với tất cả các nước áp đặt trừng phạt.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Vkontakte, ông Medvedev viết: “Các lệnh trừng phạt là lý do rõ ràng để xem xét lại toàn bộ quan hệ với những nước đã áp đặt trừng phạt và dừng đối thoại về sự ổn định chiến lược.”
Ông cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp hạn chế này sẽ không thay đổi bất cứ điều gì, kể cả quyết định của Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở vùng Donbass.
Ông Medvedev khẳng định chiến dịch này sẽ được thực hiện đầy đủ cho đến khi đạt kết quả cuối cùng.
Theo ông Medvedev, phương Tây cũng đang đe dọa phong tỏa tiền của các công dân và công ty Nga ở nước ngoài, điều này sẽ chỉ dẫn đến một sự đáp trả tương ứng, cụ thể là phong tỏa tiền của người nước ngoài và công ty nước ngoài ở Nga.
Nga cấm các hãng hàng không của Ba Lan, Bulgaria và Séc
Cơ quan hàng không dân dụng Nga ngày 26/2 cho biết nước này đã cấm các hãng hàng không của Ba Lan, Bulgaria và Cộng hòa Séc bay đến Nga hoặc bay qua không phận Nga, nhằm đáp trả các động thái tương tự của các nước này.
Trước đó, đầu tuần này, Nga đã cấm toàn bộ các hãng hàng không của Anh để đáp trả lệnh cấm của London đối với các chuyến bay của hãng hàng không Nga Aeroflot đến Anh.
Cùng ngày 26/2, hãng hàng không airBaltic của Latvia thông báo hãng đã quyết định ngừng tất cả các chuyến bay tới Nga đến ngày 26/3.
Thông báo nêu rõ: “Sự an toàn và an ninh của hành khách và nhân viên là ưu tiên hàng đầu của airBaltic.”
Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Litva Marius Skuodis cho biết các nước vùng Baltic (gồm Latvia, Estonia và Litva) đã nhất trí về nguyên tắc sẽ đóng cửa không phận đối với máy bay của Nga.
Trong một thông báo trên mạng xã hội Facebook, ông Skuodis viết: “Chúng tôi đang chuẩn bị các tài liệu để chính phủ thông qua quyết định. Kế hoạch của chúng tôi là đưa ra các bước đi đồng thời.”
Lifehub tổng hợp