Để cắt đứt huyết mạch kinh tế của Nga nhằm chặn nguồn kinh phí cho chiến dịch quân sự mà nước này đang thực hiện tại Ukraine, phương Tây đã liên tục áp đặt các đòn trừng phạt mạnh tay với Nga.
Châu Âu đã đạt đến giới hạn của lệnh trừng phạt?
Quyết tâm phía sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đang được thể hiện ngày một rõ ràng. Thượng viện Mỹ vừa thông qua gói viện trợ 40 tỷ USD, ít nhất 15 tỷ USD trong số này sẽ dành cho các lực lượng vũ trang Ukraine, phần còn lại sẽ dành cho mặt trận khác trong cuộc xung đột với Nga: chiến tranh địa kinh tế.
Liên minh châu Âu (EU) cũng chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 6 với Moscow, trong đó có giảm dần lượng dầu nhập khẩu từ Nga và loại thêm một số ngân hàng nước này ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Nhưng ngay cả khi EU ca ngợi những biện pháp hạn chế khắc nghiệt mà khối này áp đặt với Nga thì khối vẫn phải đưa ra những nhượng bộ, chẳng hạn như tạm thời miễn trừ trừng phạt đối với nhập khẩu dầu thô qua đường ống vào một số nước thành viên phụ thuộc vào nguồn cung của Moscow.
Bất chấp các nỗ lực trừng phạt mạnh tay, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững, phần lớn nhờ vào giá hydrocarbon cao kỷ lục và hoạt động mua khí đốt của châu Âu vẫn tiếp tục. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2 vừa qua, vũ khí chính của phương Tây trên mặt trận kinh tế vẫn là trừng phạt: cắt đứt các liên kết về ngân hàng, cấm doanh nghiệp Nga tiếp cận thị trường USD và đóng băng tài sản của Nga ở nước ngoài, cấm nhập khẩu than của Nga. Châu Âu cũng đang có những cuộc tranh cãi gay gắt về cách thức cấm hoàn toàn nhiên liệu cho Nga.
Giới phân tích cho rằng, đến thời điểm hiện tại, phương Tây dường như đã lựa chọn theo đuổi những gì được gọi là “chiến lược trọng cung” để làm suy yếu nền kinh tế Nga, nhưng lại không đưa ra kế hoạch cụ thể về ứng phó với những hậu quả mà một chiến lược như vậy có thể gây ra.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi về việc cần phải áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn và tìm biện pháp để đưa ra lệnh cấm hoàn toàn đối với hydrocarbon cũng như hoạt động ngân hàng của Nga. Song tất cả các bên tham gia thảo luận đều nhận thức được rằng cái giá phải trả khi thực hiện những động thái như vậy sẽ rất lớn. Và khi sự chú ý của phương Tây không còn tập trung nhiều vào cuộc chiến Nga-Ukraine nữa thì quyết tâm thông qua các lệnh trừng phạt mới có thể nhanh chóng bị suy yếu. Về phần mình, Tổng thống Putin đã chứng minh rõ ràng rằng bất kể phương Tây quyết định đi theo hướng nào thì ông sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.
“Quả bom hạt nhân” về kinh tế
Thủ tướng Hungary Viktor Orban được coi là một trong những nhân tố thách thức sự đoàn kết của châu Âu khi liên tục ngăn chặn nỗ lực của khối này nhằm vào lĩnh vực năng lượng Nga. Nhưng sự mệt mỏi và đi xuống về tinh thần dường như vượt xa Budapest. Cái giá phải trả để đánh vào huyết mạch kinh tế Nga – năng lượng – đang luẩn quẩn trong tấm trí nhiều nhà lãnh đạo EU vào thời điểm lạm phát gia tăng và suy thoái kinh tế, trong khi đó, Moscow vẫn liên tục đạt được những bước tiến mới trên chiến trường Ukraine sau 100 ngày giao tranh.
Sự chia rẽ trong vấn đề trừng phạt Nga cùng những khác biệt về quan điểm trong và ngoài Liên minh châu Âu về cách thức xung đột có thể chấm dứt, dường như khiến EU nản lòng. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas – người đang phải củng cố liên minh cầm quyền của mình, từng bày tỏ hy vọng có thể siết chặt gọng kìm với Nga. Nhưng bà thừa nhận mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn sau lệnh trừng phạt thứ 6 và ít có khả năng EU sẽ tiếp tục ban hành hạn chế về nhập khẩu khí đốt trong vòng trừng phạt tiếp theo.
“Đã đến lúc phải có cách tiếp cận khác hoặc phải tạm dừng lệnh trừng phạt”, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nhấn mạnh.
Không có cách khắc phục dễ dàng nào đối với sự mệt mỏi do các lệnh trừng phạt gây ra. Theo giới quan sát, vũ khí tài chính là một công cụ không hoàn hảo, thường được thực thi một cách chắp vá và dễ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Các biện pháp trừng phạt quy mô lớn chưa từng có đối với Nga, sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội nước này giảm 10% trong năm 2022. Nhưng nó cũng là “con dao hai lưỡi”.
Giá năng lượng tăng cao đã khiến doanh thu ngân sách của Nga ngày càng gia tăng, trong khi rút cạn túi tiền của các nhà nhập khẩu. Trong 4 tháng đầu năm 2022, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đạt 96 tỷ USD – nhiều hơn gấp 3 lần con số cùng kỳ năm 2021. Theo ước tính của Bloomberg Economics, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt của Nga dự tính đạt 285 tỷ USD trong năm nay.
Châu Âu cho rằng việc thu giữ du thuyền và biệt thự của các nhà tài phiệt Nga có thể là một biện pháp hữu hiệu, nhưng họ đã thất vọng khi chứng kiến các công ty phương Tây đang rời Nga phải bán một loạt tài sản cho những tỷ phú vẫn còn nằm ngoài lệnh trừng phạt.
Nhiều nhà phân tích châu Âu cho rằng, để ứng phó với hậu quả của các lệnh trừng phạt, trước hết phương Tây cần phải củng cố khả năng phòng thủ kinh tế trên sân nhà. Barclays Plc ước tính lệnh cấm vận hoàn toàn đối với khí đốt tự nhiên của Nga có thể làm giảm 4% GDP của khu vực đồng euro. Nếu không có chính sách hỗ trợ về kinh tế cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình, thì lệnh cấm này có thể tạo ra một “quả bom hạt nhân” về kinh tế, như cảnh báo của Thủ tướng Orban.
Một cuộc khảo sát của YouGov mới đây cho thấy dư luận châu Âu có phần mâu thuẫn: Hơn 30% số người được hỏi ở 7 quốc gia, trong đó có Tây Ban Nha và Italy ủng hộ việc đầu tư vào thương mại và ngoại giao với Nga, thay vì quốc phòng và an ninh. Nếu không có “ánh sáng cuối đường hầm” trong lĩnh vực kinh tế, tâm trạng của người dân châu Âu có thể thay đổi.
Xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa thấy hồi hết song tác động của cuộc chiến kinh tế tới mọi mặt của đời sống rất rõ ràng: mức sống giảm ở các nước phát triển trong khi các nước đang phát triển phải đối mặt với nạn đói, khủng hoảng nợ công và mất an ninh lương thực. Cuộc chiến hiện giờ đang thử thách giới hạn chịu đựng của không chỉ Nga, Ukraine mà còn toàn bộ châu Âu./.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết