Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, 53 tuổi, ngụ An Giang) cùng 24 người khác về tội Buôn lậu.
Trong số những người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có hàng loạt chủ tiệm vàng tại TP HCM và An Giang.
Năm 2003, bà Hạnh nổi lên là “đầu nậu” mua bán hàng qua biên giới ở huyện An Phú. Thời điểm đó, số “cửu vạn” “dưới trướng” Mười Tường có khoảng 100 người, chuyên vận chuyển hàng lậu, chủ yếu là điện thoại di động.
Đến năm 2005, bà Hạnh bị Công an TP HCM bắt khẩn cấp do liên quan đường dây buôn lậu khoảng 30.000 điện thoại di động. Trong vụ án này, Mười Tường lĩnh 3 năm tù về tội Buôn lậu.
Sau khi ra tù, Mười Tường tiếp tục tham gia vào hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới. Những năm gần đây, đối tượng giàu lên nhanh chóng, có nhiều bất động sản ở huyện An Phú, TP Châu Đốc, “hay làm từ thiện”.
Người phụ nữ này quy tụ nhiều “đàn em”, hoạt động rất tinh vi. Câu kết với một số cán bộ có chức vụ (đã bị cơ quan chức năng làm rõ, xử lý – NV), Mười Tường từng bước trở thành “bà trùm” thao túng hoạt động buôn lậu, được các chủ tiệm vàng tín nhiệm, thuê vận chuyển USD, vàng qua lại biên giới.
Bị can Hạnh được xác định là kẻ chủ mưu, cầm đầu điều hành toàn bộ hoạt động vận chuyển USD, vàng qua biên giới. Đường dây buôn lậu này có tính chất chuyên nghiệp, tổ chức chặt chẽ, nhiều người tham gia.
Đường dây của Mười Tường có cả người nước ngoài, hoạt động xuyên suốt liên tục nhiều năm liền trên tuyến biên giới, ngay cả trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Thủ đoạn của băng nhóm này rất tinh vi, qua nhiều trung gian, tầng nấc, có sự phân công vai trò cụ thể từng người, sử dụng “tiếng lóng” khi giao dịch. Ở những khâu quan trọng liên quan giao nhận USD và vàng với các tiệm vàng, Mười Tường chỉ phân công “đàn em” thân tín.
Cảnh sát xác định chủ tiệm vàng ít khi trực tiếp giao nhận. Họ chủ yếu chỉ đạo nhân viên dưới quyền thực hiện. Mười Tường phân công cho “đàn em”, trực tiếp liên hệ với các chủ tiệm vàng để nhận USD đưa sang biên giới, sau đó đưa vàng lậu về Việt Nam.
Quá trình điều tra, xác định Trần Thị Thảo Trang (tiệm vàng Thảo Kim Thành), Dương Công Cường, Nguyễn Thị Tuyết Vân (tiệm vàng Vân An), Nguyễn Ngọc Đại Nghĩa (tiệm vàng Kim Ngọc Mai), Trương Văn Liêm (tiệm vàng Trương Liêm), Trương Thái Nguyên (tiệm vàng Trương Hưng)… thỏa thuận vận chuyển USD từ Việt Nam sang Campuchia.
Họ sử dụng số ngoại tệ này để mua vàng và thuê đường dây của Mười Tường vận chuyển về nước. Các gói USD, vàng lậu đều có ký hiệu riêng của từng tiệm vàng.
Chủ tiệm vàng Thảo Kim Thành khai, ngày 29/10/2020 đã giao 3,2 triệu USD cho Trương Thái Nguyên (chủ tiệm vàng Trương Hưng) đặt mua 31kg vàng. Sau khi nhận tiền, Nguyên đã đưa số USD này cho những người trong đường dây của Mười Tường mang sang Campuchia để đặt mua vàng và vận chuyển về Việt Nam.
Theo điều tra, ngày 30/10/2020, Mười Tường chỉ đạo đồng bọn vận chuyển USD từ Việt Nam qua Campuchia, mua vàng lậu đưa về Việt Nam để giao lại cho một số tiệm vàng ở TP Châu Đốc và TP HCM.
Trưa cùng ngày, nhóm người này vận chuyển 51kg vàng về đến khu vực khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc thì bị lực lượng công an bắt quả tang.
Sau khi biết đang bị cảnh sát truy tìm, Mười Tường bỏ trốn sang Campuchia rồi tổ chức đưa một số “đàn em” thân tín sang sau. Đến ngày 6/7/2021, Mười Tường bị bắt giữ, những người liên quan khác lần lượt ra đầu thú.
Điều tra vụ án, công an bắt giữ thêm hàng loạt “đàn em” của Mười Tường và chủ các tiệm vàng. Lời khai các bị can cho thấy việc vận chuyển vàng, USD diễn ra thường xuyên, mỗi ngày thực hiện 1 – 4 chuyến, ít nhất 4kg, nhiều nhất 200kg vàng. Còn USD vận chuyển sang Campuchia từ vài trăm nghìn đến hơn 10 triệu USD/ngày.
Mai Thị Ngọc Phấn, “đàn em” thân tín của Mười Tường thừa nhận được giao nhiệm vụ kiểm đếm USD, vàng. Năm 2017, Phấn tham gia vận chuyển USD sang Campuchia để mua vàng lậu mang về giao cho các tiệm vàng và một cá nhân ở chợ Châu Đốc.
Ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Buôn lậu 51kg vàng, Mười Tường còn bị khởi tố về một số tội danh do liên quan nhiều vụ án khác. Cuối tháng 2/2022, TAND An Giang đã tuyên Mười Tường 8 năm tù trong vụ án vận chuyển trái phép 470.000 USD qua biên giới.
Mười Tường còn bị điều tra là chủ mưu trong vụ án rửa tiền, khi thành lập nhiều Cty, hộ kinh doanh, cho người thân, người làm công đứng tên nhằm hợp thức hóa việc buôn lậu đường cát và hàng hóa nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam.
Mười Tường lập hàng chục tài khoản ngân hàng, yêu cầu người thân, người làm công lập nhiều tài khoản ngân hàng để đồng phạm sử dụng vào việc thu hàng nghìn tỷ đồng là tiền bán đường của 33 đầu mối tại các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ.
Với việc chấp hành pháp luật về thuế của các tiệm vàng, qua tài liệu do cơ quan thuế và ngân hàng cung cấp, cơ quan chức năng phát hiện các cơ sở này giao dịch thông qua tài khoản ngân hàng số tiền cao gấp nhiều lần doanh thu bán hàng đã khai báo. CQĐT đang xác minh, đủ chứng cứ sẽ xử lý sau.
Theo Báo Pháp luật