“Nếu Tân Hoàng Minh không thể mua lại lập tức cả 9 lô trái phiếu bị hủy do tiền đã được đẩy vào dự án thì sẽ rất khó xử lý, các bên sẽ phải ra tòa để tiếp tục vụ việc”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hôm 3/4 đã công bố hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 – 3/2022 của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh ).
Theo UBCKNN, các doanh nghiệp này đã có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu tin tức khi phát hành trái phiếu riêng lẻ, thực hiện 9 đợt rao bán trái phiếu để huy động vốn với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng.
Với quyết định huỷ bỏ 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh , sẽ không ít NĐT lo lắng về nguồn tiền đầu tư có bị mất và làm thế nào để nhận lại số tiền này?
Trả lời câu hỏi, LS Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC) nói, theo quy định tại Khoản 3, Điều 28, Luật Chứng khoán, trong thời hạn một tuần làm việc kể từ ngày đợt rao bán chứng khoán ra công chúng bị hủy bỏ, tổ chức phát hành phải công bố việc hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng trên 1 tờ báo điện tử hoặc báo in trong 3 số liên tiếp và phải thu hồi chứng khoán đã phát hành.
Bên cạnh đó, tổ chức phát hành phải hoàn trả tiền cho NĐT trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt rao bán bị hủy bỏ. Hết thời hạn này, tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho NĐT theo các điều khoản đã cam kết với NĐT.
“Trường hợp này, nếu Tân Hoàng Minh không thể mua lại lập tức cả 9 lô trái phiếu bị hủy do tiền đã được đẩy vào dự án thì sẽ rất khó xử lý, các bên sẽ phải ra tòa để tiếp tục vụ việc”, LS Trương Thanh Đức nói.
Sẽ có ‘án’ phạt?
Còn LS Mai Thảo (Phó Giám đốc TAT Law firm) chia sẻ, đối với các sai phạm của doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong việc chào bán trái phiếu thì hành vi “công bố thông tin sai sự thật, che giấu tin tức trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ” sẽ bị phạt tiền từ 400 – 500 triệu đồng, theo quy định tại Khoản 6 Điều 8 Nghị định 156/2020.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này còn bị buộc thu hồi chứng khoán đã rao bán, phát hành; hoàn trả cho NĐT tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc trong thời hạn 60 ngày.
LS Mai Thảo giải thích thêm, tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành; trường hợp rao bán, phát hành trái phiếu thì tiền lãi phát sinh từ tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu.
Sáng 5/4, Tập đoàn Tân Hoàng Minh có thông báo gửi đến khách hàng liên quan đến việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của nhóm các doanh nghiệp thuộc tập đoàn.
Trong thông báo, Tân Hoàng Minh bày tỏ lấy làm tiếc vì đây là sự có ngoài mong muốn của Tập đoàn.
Trường hợp các đợt phát hành phải hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, Tập đoàn cho hay, sẽ làm việc với Doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý nhà nước để hoàn trả lại số tiền đã huy động cho Khách hàng theo đúng quy định pháp luật.
Dự kiến tiến trình xử lý hoàn trả tiền đến khách hàng sẽ được thực hiện như sau:
Đối với các Hợp đồng đến hạn thanh toán, số tiền đầu tư của Khách hàng sẽ được hoàn trả trong thời gian sớm nhất.
Đối với các Hợp đồng chưa đến hạn thanh toán, Tập đoàn sẽ khẩn trương phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, làm việc với Doanh nghiệp phát hành, ngân hàng quản lý tài sản để xử lý và hoàn trả lại Khách hàng theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chức năng trên tinh thần thiện chí và tuân thủ quy định của pháp luật.
Lifehub tổng hợp