Thị trường dầu, chứng khoán và vàng toàn cầu điều chỉnh mạnh sau tuyên bố huy động quân sự một phần của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21-9, theo TASS, đã ra lệnh động viên một phần lực lượng quân sự trong nước, đồng thời cảnh báo nếu phương Tây tiếp tục “hành vi đe dọa hạt nhân”, Moscow sẽ đáp trả bằng sức mạnh của toàn bộ kho vũ khí khổng lồ của Nga.
Đây là lần đầu tiên Nga huy động lực lượng quân sự kể từ Thế chiến thứ 2. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết quân đội Nga dự kiến huy động thêm 300.000 quân nhân dự bị và sẽ áp dụng cho những người có kinh nghiệm quân sự trước đó. Quân số huy động tương đương hơn 1% tiềm lực tổng động viên của Nga (25 triệu người).
Phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Nga hôm 21-9, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho rằng việc huy động quân sự là sự thừa nhận của ông Putin rằng “chiến dịch quân sự đang thất bại”. Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Anh Gillian Keegan cho hay phát biểu của ông Putin là một sự leo thang đáng lo ngại của cuộc xung đột tại Ukraine và những lời đe dọa của Tổng thống Nga phải được xem xét nghiêm túc.
Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink mô tả thông báo của ông Putin là “dấu hiệu của sự thất thế” và Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev đối phó chiến dịch quân sự của Moscow. Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck nhận định đó là “một bước đi tồi tệ và sai lầm khác từ Nga”, đồng thời cho hay sẽ thảo luận cách thức phản ứng.
Người dân tập trung tại một trạm dừng xe điện trước tấm biển chân dung của thành viên quân sự Nga ở TP Saint Petersburg, Nga hôm 21-9 Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề Ukraine là nhất quán và rõ ràng”. Theo ông Uông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các bên tham gia đối thoại, tham vấn và tìm cách giải quyết các lo ngại an ninh chung.
Động thái huy động lực lượng của Nga được đưa ra sau khi các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhzhia thông báo sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga từ ngày 23 đến 27-9.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 20-9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích kế hoạch trưng cầu dân ý nói trên, đồng thời cho rằng cuộc bỏ phiếu vô nghĩa về mặt pháp lý. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng cho rằng những cuộc trưng cầu dân ý này là không có giá trị và Ba Lan sẽ không công nhận kết quả bỏ phiếu.
Ngay sau khi Tổng thống Putin tuyên bố động viên một phần, giá dầu thế giới đã tăng hơn 2% hôm 21-9, làm tăng lo ngại về nguồn cung dầu và khí đốt bị siết chặt hơn. Giá dầu Brent có thời điểm tăng lên 92,9 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm 21-9 (giờ địa phương) trong khi giá dầu WTI có lúc tăng lên 86,16 USD/thùng.
Ông Warren Patterson, Giám đốc bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Ngân hàng ING (Singapore), cho rằng động thái mới của Nga có thể khiến phương Tây càng áp đặt thêm nhiều lệnh trừng phạt khắc nghiệt lên Nga. Lệnh cấm nhập dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực ngày 5-12.
Trong khi đó, Mỹ cho biết không kỳ vọng có đột phá trong việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân với Iran trong tuần này. Việc này sẽ khiến kịch bản dầu Iran quay lại thị trường quốc tế càng xa vời.
Theo Reuters, hiện Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất bên ngoài, còn gọi là OPEC+, đang giảm kỷ lục 3,58 triệu thùng/ngày so với mức mục tiêu, tương đương khoảng 3,5% nhu cầu toàn cầu. Sự sụt giảm mạnh này càng cho thấy nguồn cung trên thị trường bị siết chặt.
Không chỉ thị trường dầu, chứng khoán châu Âu cũng chứng kiến phiên đỏ lửa hôm 21-9 khi thông tin Nga huy động một phần lực lượng quân sự khiến giới đầu tư lo ngại bên cạnh nỗi lo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh cùng ngày. Giá vàng cũng tăng mạnh khi được giao dịch quanh ngưỡng 1.683 USD/ounce trong phiên 21-9 (giờ địa phương).
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết