Theo một nghiên cứu gần đây, người có chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) cao có thể kiếm nhiều tiền hơn người có EQ thấp.
Có thể nói, không phải ai cũng biết, chỉ số EQ đóng vai trò quan trọng giúp đỡ con người trong nhiều khía cạnh. Nếu có chỉ số EQ cao, con người thường có khả năng chịu được áp lực, bình tĩnh trước mọi tình huống và có thể đối nhân xử thế khéo léo. Họ còn là những người giàu tình cảm, biết điều hòa cảm xúc và có lòng đồng cảm sâu sắc.
Bên cạnh đó, chỉ số thông minh cảm xúc cao còn là công thức bí mật giúp một người trở thành nhà lãnh đạo giỏi và rèn luyện tính bản lĩnh.
Daniel Goleman, một trong những cha đẻ của chỉ số EQ, ngay từ đầu đã coi đây là chìa khóa để tạo nên những mối quan hệ cá nhân tốt. Năm 1988, ông đã viết một bài báo trên tạp chí Harvard Business Review với tựa đề “Điều gì tạo nên một nhà lãnh đạo”.
Đây từng là bài viết rất nổi tiếng, trong đó ông đưa ra những nhận định vô cùng chuẩn xác. Các nhà lãnh đạo tài ba đều có một điểm chung là họ đều có EQ cao. Không chỉ cần IQ hay kỹ năng chuyên môn mà chỉ số cảm xúc cũng là một mắt xích quan trọng để lãnh đạo nhân viên.
Nghiên cứu của Daniel cho thấy chỉ số EQ là yêu cầu đầu vào của người lãnh đạo giỏi, đặc biệt là các vị trí trong ban điều hành. Không có nó, một người dù được đào tạo theo chương trình tốt nhất trên thế giới, có đầu óc phân tích sắc sảo hay nguồn ý tưởng vô tận thì cũng không thể trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc.
Tuy nhiên, chỉ số EQ cao không chỉ giúp hình thành tố chất lãnh đạo mà còn khiến quá trình kiếm tiền trở nên dễ dàng hơn và tăng thu nhập nhanh. Theo một nghiên cứu, người có EQ cao có thể kiếm hơn người EQ thấp 29.000 USD/năm (gần 700 triệu đồng/năm). Người có EQ thấp hơn thường có xu hướng chỉ làm việc chăm chỉ đơn thuần và thu nhập không cao bằng.
Travis Bradberry, đồng tác giả của cuốn sách Emotional Intelligence 2.0 đã tiến hành nghiên cứu hơn 42.000 người và so sánh chỉ số EQ của họ với thu nhập hàng năm tương ứng. Báo cáo đã chỉ ra rằng, con đường tới thu nhập cao được “lát” bằng việc có các mối quan hệ tốt. Con người kiếm được nhiều tiền hơn khi có sự “nhạy bén” cảm xúc hơn người khác.
Vậy bí kíp nào để tăng chỉ số EQ?
Con đường để có được chỉ số này cao không phải một đích đến mà là cả một quá trình. Nếu đạt được nó, thu nhập cao sẽ không quá khó. Dưới đây là 4 cách cơ bản để tăng cường chỉ số này:
1. Nâng cao nhận thức về bản thân
Đây là bước đầu tiên để tăng chỉ số EQ và giúp mọi người làm quen với cảm xúc của bản thân. Mọi người có bao giờ tự hỏi tại sao đôi khi mình lại làm điều này và cảm thấy bối rối hay không? Khi nâng cao khả năng tự nhận thức, bạn sẽ hiểu tại sao mình lại cảm thấy buồn, vui, tức giận hay mê đắm trong một tình huống nào đó hoặc với một ai đó.
Vì vậy, hãy hiểu rõ cảm xúc của bản thân. Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều, đặc biệt là khi làm việc hay cộng tác với những người đặc biệt khó tính trong cự ly gần.
2. Học cách tự chủ
Một nhà lãnh đạo có chỉ số EQ cao có thể biết cách kìm hãm những cảm xúc tiêu cực, dễ “bốc đồng” và không đưa ra quyết định một cách vội vàng.
Khi một nhóm nhân viên chậm trễ deadline, sếp có EQ cao sẽ không vội chỉ trích hay thúc giục. Thay vào đó, họ sẽ bình tĩnh xem xét, cân nhắc nguyên nhân tại sao mọi việc không diễn ra theo đúng kế hoạch, giải thích hậu quả cho nhóm của mình và cùng họ tìm ra giải pháp để khắc phục.
3. Luyện tập sự đồng cảm
Giúp nhân viên cảm thấy bản thân có giá trị, có khả năng đóng góp cho công việc và công ty là điều kiện tiên quyết cho một người quản lý giỏi. Bạn nên thể hiện sự đồng cảm với những trải nghiệm của nhân viên và đưa ra những lời phản hồi tích cực.
Đầu tiên hãy chăm chú lắng nghe lời chia sẻ của họ bằng cả lý trí và tình cảm, đặc biệt là không phán xét. Sau đó chuyển từ việc thúc đẩy họ thực hiện sang việc “đáp ứng” nhu cầu để họ cảm thấy mình được trao quyền chủ động. Khi bạn làm điều đó, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để luyện tập sự đồng cảm.
4. Cho thấy sự hiện diện
Trong những giai đoạn khó khăn, các nhà lãnh đạo có chỉ số EQ cao sẽ không “trốn” sau cánh cửa đóng kín hoặc tùy tiện ủy thác các vấn đề quan trọng cho người khác nói thay. Họ sẽ ở tuyến đầu, hoạch định các kế hoạch cho tương lai, giải quyết câu hỏi, mối bận tâm, đồng thời xoa dịu nỗi sợ hãi của nhân viên.
Đa số nhân viên tìm đến các nhà lãnh đạo như vậy để cập nhật thêm thông tin, có được định hướng tương lai rõ ràng và thực trạng công ty sẽ ra sao nếu gặp sự cố.
Đây là lý do tại sao các nhà lãnh đạo tốt sẽ luôn cho thấy sự hiện diện của mình mọi lúc mọi nơi. Họ tương tác với nhân viên của mình và đích thân trả lời các câu hỏi để duy trì sự tin tưởng nội bộ và giúp mọi người cảm thấy an toàn.
Tuy nhiên những bí kíp trên không phải lúc nào cũng phù hợp với mọi cá thể và chuẩn chỉnh trong mọi tình huống.
Nhưng nếu bạn muốn trở thành một người lãnh đạo giỏi và kiếm được nhiều tiền hơn người khác, bạn nên lựa chọn điều mà hầu hết các nhà lãnh đạo xuất chúng trên thế giới đều làm: đầu tư thuê một người hướng dẫn giỏi – người có thể huấn luyện bạn trong quá trình khám phá bản thân để nâng cao chỉ số EQ.
Khi bạn tăng được chỉ số cảm xúc, đạt được những nhận thức mới thì trước khi đưa ra các quyết định hàng ngày, bạn hãy áp dụng 4 bí kíp trên. Có lẽ bạn sẽ thấy nhiều thay đổi tích cực trong thu nhập của mình.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết