Nhiều người cho rằng smartphone đã nghe lén nên Facebook hay trình duyệt web của họ mới ngập tràn quảng cáo về thứ họ vừa nhắc đến.
Trong cuộc sống, chắc hẳn ai cũng từng gặp phải trường hợp lướt mạng xã hội và nhìn thấy quảng cáo về sản phẩm hay dịch vụ mà mình vừa nói là có nhu cầu với người khác. Nhiều người còn cho rằng “thủ phạm” nghe lén chính là chiếc smartphone nhưng điều này có phải sự thật?
Điện thoại không nghe lén… mà tệ hơn thế!
Theo How To Geek, điện thoại không ghi lại các cuộc trò chuyện của bạn và tải chúng lên một số máy chủ từ xa để được phân tích nhằm tạo quảng cáo phù hợp. Thật khó để tin rằng điều này không phải sự thật khi xét đến việc bạn vừa nhắc đến một thứ gì đó liền thấy quảng cáo về thứ tương tự trên Facebook hay Instagram. How To Geek khẳng định điện thoại không hề nghe lén, ít nhất là các cuộc hội thoại bằng giọng nói của chủ sở hữu.
Hiện tại, về mặt kỹ thuật, đúng là các trợ lý ảo như Alexa, Google tự động ghi lại các đoạn âm thanh khi được gọi bằng khẩu lệnh. Trong đó, một số nội dung sẽ được tải lên máy chủ để tinh chỉnh mức chính xác của máy học. Như vậy, có thể nói rằng một phần cuộc trò chuyện của bạn có thể được nghe bởi một người thực ở đâu đó.
Mặc dù vậy, những đoạn ghi âm này không phải cách các quảng cáo chính xác đến “rùng rợn” xuất hiện. Trên thực tế, các nhà quảng cáo thu thập thông tin và giám sát chúng ta bằng cách đáng sợ hơn nhiều.
Nhà quảng cáo không cần nghe lén
Các nhà quảng cáo dễ dàng đưa ra những phỏng đoán chính xác về những gì bạn đang nói đến mà nghe mà không cần nghe lén. Họ có thể nắm bắt các xu hướng hiện tại và ghép nối chúng với thông tin cơ bản mà họ có về bạn như nhân khẩu học, vị trí, lịch sử tìm kiếm, thói quen mua sắm, thói quen hàng ngày… để đánh giá xem những người như bạn (và người xung quanh bạn) quan tâm đến điều gì. Bất cứ điều gì bạn quan tâm, bạn sẽ có xu hướng nói về nó.
Ví dụ: Giả sử bạn gặp một người bạn tại quán cà phê và ngay trước đó, người này đã xem giá của một sản phẩm trên Amazon. Trong cuộc trò chuyện, họ có lần nhắc qua về sản phẩm này nhưng bạn không mấy để tâm. Sau đó, khi bạn mở trình duyệt hay mạng xã hội, quảng cáo đầu tiên bạn nhìn thấy là về sản phẩm đó.
Điều này khiến nhiều người đổ lỗi rằng điện thoại đã nghe lén cuộc trò chuyện. Thế nhưng thực tế là Google chỉ lấy một vài điểm dữ liệu đơn giản và ghép chúng lại với nhau. Công ty có lịch sử trình duyệt web, thông tin về nhân khẩu học cũng như vị trí từ điện thoại của hai người. Vì thế, họ không cần ghi âm để hiện quảng cáo liên quan.
Phương pháp hiện quảng cáo như trên được đánh giá là đơn giản và hiệu quả hơn nhiều so với việc nghe lén. Về mặt kỹ thuật, phần mềm trên điện thoại có thể ghi âm và tải lên một địa chỉ ở xa. Nhưng toàn bộ những việc này có thể tạo áp lực lên phần cứng của điện thoại như làm cạn kiệt pin hay khiến mức sử dụng dữ liệu tăng vọt. Trên thực tế, chỉ những phần mềm gián điệp tiên tiến mới dùng cách này.
Một vấn đề khác là về mặt dung lượng, bản ghi âm giọng nói chất lượng tốt nặng hơn đáng kể so với dữ liệu lịch sử duyệt web hay vị trí gần đây. Do đó, việc nghe lén để tạo quảng cáo không khả thi, ngay cả với gã khổng lồ như Google. Hơn nữa, không phải đoạn ghi âm cuộc trò chuyện nào cũng đem lại thông tin có ích.
Cách để ngăn những quảng cáo đáng sợ
Theo How To Geek, việc tắt quyền truy cập micro của điện thoại sẽ không thực sự mang lại cho người dùng bất kỳ quyền riêng tư thực sự nào. Vậy làm cách nào để ngăn những quảng cáo đó xuất hiện? Thực tế đáng buồn là đến nay, gần như không có cách nào để hoàn toàn không bị theo dõi trên Internet.
Quyền riêng tư trên Internet vẫn là một bí ẩn. Smartphone giống như miếng bọt biển hấp thu mọi bit dữ liệu có giá trị và cung cấp cho ứng dụng. Người dùng có thể giảm thiểu lượng thông tin cá nhân bị thu thập và chia sẻ bằng cách thay đổi quyền riêng tư trên tài khoản Google hay chuyển sang các lựa chọn thay thế tập trung vào quyền riêng tư cho các dịch vụ phổ biến.
Bên cạnh đó, việc sử dụng VPN kết hợp với chế độ duyệt web riêng tư cũng có thể khiến hoạt động duyệt web của bạn khó theo dõi hơn đối với các nhà quảng cáo.
Có thể nói đến nay, vẫn chưa có giải pháp nào có khả năng loại bỏ hoàn toàn việc bị theo dõi. Bản thân hành vi của bạn trên Internet đều để lại dấu vết để các công ty theo dõi. Ngay cả việc tắt GPS cũng không thực sự hữu ích như người dùng nghĩ.
Vì vậy, theo How To Geek, thay vì lo lắng rằng điện thoại đang nghe lén các cuộc trò chuyện để tạo quảng cáo, nếu không muốn thấy những quảng cáo đó, bạn chỉ có thể hạn chế bằng cách giảm thiểu tìm kiếm trên điện thoại hay mang nó theo đến những nơi mà bạn không muốn các nhà quảng cáo biết.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết