Phụ nữ dễ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe do cấu tạo giải phẫu của nữ giới. Ngoài ra, những thay đổi nội tiết tố có thể góp phần gây ra những vấn đề này và khiến phụ nữ có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khi có tuổi.
Amritha K – chuyên gia về các lĩnh vực sức khỏe, thể chất và lối sống lành mạnh – nêu bật tầm quan trọng cũng như những bước khám sức khỏe cần thiết đối với phụ nữ, đặc biệt là những người ở độ tuổi 30, 40 và 50.
Phụ nữ dễ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe do cấu tạo giải phẫu của nữ giới. Ngoài ra, những thay đổi nội tiết tố có thể góp phần gây ra những vấn đề này và khiến phụ nữ có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khi có tuổi. Điều cần thiết là duy trì khám sức khỏe thường xuyên để ngăn ngừa những bệnh đó phát triển. Bằng cách xác định các dấu hiệu cảnh báo sớm, khám sức khỏe định kỳ có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng đau đớn và chi phí điều trị y tế lâu dài.
Dưới đây là những bước khám sức khỏe cần thiết mà phụ nữ trên 30 tuổi nên làm:
Từ 30 đến 40 tuổi
Khi bước sang tuổi 30, để duy trì sức khỏe, bạn nên cân nhắc thực hiện 5 xét nghiệm sức khỏe thường xuyên. Nếu bạn có một số triệu chứng hoặc yếu tố nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như tiền sử bệnh gia đình, bạn có thể cần bắt đầu các xét nghiệm này sớm hơn.
1. Xét nghiệm tế bào cổ tử cung
Xét nghiệm tế bào cổ tử cung và siêu âm khám vùng chậu để xác định nguy cơ ung thư cổ tử cung – căn bệnh có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm. Mặt khác, siêu âm vùng chậu cũng bao gồm kiểm tra các cơ quan sinh sản của bạn, gồm âm đạo, buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, âm hộ và cổ tử cung.
2. Chụp X-quang tuyến vú
Phương pháp này cho phép các bác sĩ sàng lọc, phát hiện ung thư vú. Trên thế giới, ung thư vú là dạng ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, trong đó có nhiều người ở độ tuổi 30 mắc bệnh. Bất chấp thực tế rằng chẩn đoán sớm có thể cứu sống bệnh nhân, vẫn có nhiều phụ nữ phát hiện mắc ung thư vú khi đã quá muộn.
3. Kiểm tra chức năng tuyến giáp
Ở phụ nữ, tuyến giáp có nhiều khả năng hoạt động kém hoặc hoạt động quá mức. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp sẽ kiểm tra mức độ hormone tuyến giáp của bạn. Bạn nên trao đổi với bác sĩ xem liệu bạn có cần xét nghiệm chức năng tuyến giáp hay không, vì các triệu chứng được đề cập ở trên cũng có thể chỉ ra các bệnh thông thường khác hoặc quá trình lão hóa.
4. Xét nghiệm cholesterol
Xét nghiệm cholesterol là điều quan trọng đối với bất kỳ ai, cho dù bạn là phụ nữ hay không. Nồng độ cholesterol cao trong máu có thể làm tắc nghẽn động mạch và gây bệnh tim. Hơn nữa, nồng độ cholesterol cao không biểu hiện bất kỳ triệu chứng đáng kể nào và chỉ có thể được phát hiện bằng cách xét nghiệm máu.
5. Kiểm tra huyết áp
Phụ nữ đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn do các yếu tố nội tiết tố và những thay đổi của cơ thể qua từng thời kỳ, chẳng hạn như giai đoạn (tiền) mãn kinh, biến chứng thai kỳ và căng thẳng. Kiểm tra huyết áp có thể phát hiện sớm bệnh tim. Nếu huyết áp bình thường, bạn nên đến phòng khám kiểm tra định kỳ hàng năm. Nếu huyết áp quá cao hoặc quá thấp, bạn sẽ cần kiểm tra thường xuyên hơn.
Từ 40 đến 50 tuổi
1. Sàng lọc cholesterol
Xét nghiệm cholesterol sẽ đo nồng độ cholesterol và chất béo trung tính trong máu, cho bạn biết liệu bạn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay không. Cơ thể bạn cần cholesterol, nhưng nếu quá nhiều, nó có thể tích tụ trong động mạch và dẫn đến đột quỵ hoặc đau tim. Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thay đổi cách sinh hoạt hàng ngày.
2. Tầm soát bệnh tiểu đường
Khi xét nghiệm đường huyết, lượng đường trong máu sẽ được kiểm tra lúc bạn đang đói. Nếu lượng đường trong máu quá cao, bạn sẽ cần được kiểm tra lại sau đó để chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Bác sĩ sẽ đề nghị thay đổi cách sinh hoạt nếu có vấn đề.
3. Khám mắt và răng
Để theo dõi những thay đổi về thị lực, bạn nên cập nhật đơn thuốc nếu bạn đeo kính hoặc kính áp tròng. Điều quan trọng nữa là đảm bảo rằng bạn không có vấn đề về thị lực. Sau khi bước sang tuổi 40, bạn nên khám mắt hai năm một lần. Bạn cũng nên đảm bảo đi khám và làm sạch răng miệng sáu tháng một lần, đồng thời chải răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách.
Từ 50 tuổi trở lên
1. Tầm soát viêm gan C
Nguy cơ nhiễm viêm gan C ở những người thuộc “thế hệ bùng nổ trẻ em” (Baby Boomer) cao gấp 5 lần so với những người trưởng thành khác. Điều này là do nhiều người thuộc thế hệ này có thể đã tiếp xúc với bệnh viêm gan C do truyền máu hoặc các yếu tố rủi ro khác trước khi virus này được phát hiện vào năm 1989.
2. Kiểm tra mật độ xương
Ước tính 1/2 số phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh sẽ bị gãy xương do loãng xương sau khi mãn kinh. Nếu cần thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc điều trị loãng xương để bảo vệ xương, xét nghiệm hấp thụ tia X năng lượng kép (DXA) sẽ cho bạn biết.
3. Nội soi đại tràng
Hầu hết phụ nữ nên tiến hành nội soi ở tuổi 50, tuy nhiên nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình có người mắc ung thư ruột kết hoặc viêm loét đại tràng, hoặc bệnh Crohn, bạn có thể cần nội soi để phát hiện sàng lọc sớm hơn.
Kết luận, các xét nghiệm tầm soát sức khỏe là vô cùng quan trọng với phụ nữ, bởi họ có nguy cơ mắc các bệnh lý hiểm nghèo như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, v.v. Khám sàng lọc giúp phụ nữ phát hiện các nguy cơ sức khỏe ở giai đoạn đầu để có thể điều trị thành công.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết