Móng ngựa cần được bảo vệ bằng một lớp móng sắt và thay mới khoảng 4 đến 6 tuần một lần.
Từ nhiều thế kỷ nay, ngựa vẫn luôn là loài động vật quan trọng, hỗ trợ con người trong sản xuất nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Theo tiến sĩ Fernanda Camargo – bác sĩ thú y và nhân viên khuyến nông về ngựa tại một trường Đại học, ngựa là loài động vật được thuần hóa để hỗ trợ cho con người và đồng thời được nhân giống chọn lọc để biểu diễn, giải trí. Móng chân của loài động vật này rất mỏng và yếu nên luôn cần được bảo vệ để đảm bảo chức năng.
Móng sắt giúp bảo vệ một số khu vực trên bàn chân ngựa, giúp ngăn cho móng thật bị mài mòn quá nhiều gây nên tình trạng nhạy cảm. Mặt ngoài của móng ngựa có cấu tạo sừng giống như móng tay ở con người, do vậy cần được cắt tỉa và chăm sóc thường xuyên. Khi di chuyển ở những nơi địa hình gồ ghề chẳng hạn như cát và đá, lớp ngoài của móng ngựa có thể bị mài mòn, để lộ phần bên trong gây nhạy cảm, từ đó ngựa dễ bị đau và không đi được. Do vậy, một chiếc móng sắt là cần thiết để chúng có thể di chuyển dễ dàng hơn.
Việc đóng “giày” cho ngựa còn phụ thuộc vào địa hình và mục đích sử dụng ngựa. Không phải tất cả các con ngựa đều cần đóng móng. Những con ngựa thường xuyên di chuyển trên địa hình gồ ghề cần được bảo vệ móng kỹ càng hơn.
Tuy nhiên, việc đóng móng không đúng cách cũng hoàn toàn có thể gây tổn thương cho ngựa. “Giày” hoặc đinh bị đặt sai hay có hình dạng, kích cỡ không phù hợp cũng có thể làm ngựa bị thương. Đồng thời, nếu móng guốc không được cắt tỉa cẩn thận trước khi đóng móng, chân của ngựa cũng có thể bị tổn hại. Do đó, cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đóng móng cho ngựa để có thể đảm bảo được hiệu quả tốt nhất.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết