Quan chức quốc phòng Mỹ ngày 8/7 cho biết nước này sẽ chuyển thêm cho Ukraine 4 hệ thống pháo phản lực tầm trung HIMARS trong khuôn khổ gói viện trợ vũ khí mới trị giá 400 triệu USD.
Mỹ là quốc gia viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine với tổng trị giá khoảng 6,9 tỷ USD trong 4 tháng chiến sự. Các lô vũ khí trước đó bao gồm pháo phản lực HIMARS, hệ thống phòng thủ bờ sử dụng tên lửa chống hạm Harpoon, tên lửa phòng không Stinger và chống tăng Javelin, lựu pháo M777, trực thăng Mi-17 và nhiều khí tài bộ binh.
Giới quan sát nhận định Washington có nhiều lý do để liên tục bơm vũ khí cho Kiev.
Sau khi kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk, quân đội Nga đang từng bước tiến sâu hơn vào những vùng do chính phủ Ukraine kiểm soát tại tỉnh Donetsk và hướng đến mục tiêu “giải phóng” toàn bộ vùng Donbass.
Vùng Donbass, gồm tỉnh Lugansk và Donetsk, là nơi có điều kiện phù hợp để Nga phát huy ưu thế về vũ khí hạng nặng. Sau giai đoạn đầu chiến dịch mắc nhiều sai sót, quân đội Nga đã đổi cách đánh, tập trung hỏa lực pháo binh để chế áp từng mục tiêu, thay vì dàn trải lực lượng trên phạm vi chiến trường rộng lớn.
Bình luận viên Lindsey Neas của Task & Purpose cho rằng động lực lớn nhất khiến Mỹ không ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine là Washington không muốn Kiev thất bại do thất thế về hỏa lực trên chiến trường trước lực lượng Nga.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 11/7 tuyên bố đã phá hủy 4.020 xe tăng thiết giáp, 354 hệ thống phòng không, 1.506 máy bay không người lái, hơn 200 phi cơ các loại, 741 bệ pháo phản lực phóng loạt, hơn 3.100 khẩu pháo và cối của Ukraine sau hơn 4 tháng chiến sự.
Quân đội Ukraine không tiết lộ con số thiệt hại khí tài cụ thể, nhưng chỉ huy lực lượng hậu cần lục quân Ukraine Volodymyr Karpenko hồi giữa tháng 6 thừa nhận họ đã mất 50% vũ khí hạng nặng trong biên chế. “Trong số này có khoảng 1.300 xe chiến đấu bộ binh, 400 xe tăng và 700 hệ thống pháo binh”, ông nói.
“Việc Mỹ hỗ trợ lượng lớn trang thiết bị quân sự sẽ giúp Ukraine bổ sung khí tài hao hụt và duy trì năng lực chiến đấu”, Neas nhận xét.
Nếu thua trận vì thất thế về hỏa lực, Ukraine sẽ phải đồng ý nhượng bộ lãnh thổ cho Nga, điều mà giới lãnh đạo của họ nhiều lần bác bỏ.
Khả năng đứng vững của nền kinh tế Ukraine trong tương lai phụ thuộc vào khả năng kiểm soát những khu vực nông nghiệp trù phú và công nghiệp chủ chốt ở miền đông và nam đất nước. Điều này đòi hỏi Ukraine sở hữu những vũ khí hiện đại với số lượng đủ lớn, không chỉ để bảo vệ các vị trí hiện tại, mà còn mở những chiến dịch phản công trong tương lai để giành lại lãnh thổ.
Mỹ cũng muốn tránh bị nghi ngờ là quay lưng với Ukraine và mất uy tín với các đồng minh, nhất là trong bối cảnh Washington từng nhiều lần bị cáo buộc bỏ rơi những đối tác như dân quân người Kurd tại Trung Đông và chính phủ Afghanistan trước đà tiến của Taliban.
Chiến sự đang bước vào giai đoạn kéo dài mà giới lãnh đạo Kiev lo ngại từ lâu, điều được Thủ tướng Anh Boris Johnson mô tả là “nỗi mệt mỏi Ukraine”.
Các nước phương Tây đang đối mặt với thách thức lớn khi chiến sự đã bước qua tháng thứ 5 mà chưa có dấu hiệu kết thúc, khiến thế giới lâm vào khủng hoảng năng lượng và làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát. Lạm phát tại Mỹ đã tăng 8,6%, trong khi tỷ lệ này tại Anh là 9,1%, còn ở khu vực đồng tiền chung châu Âu là 8,1%.
Chiến sự Ukraine kéo dài cũng làm tắc nghẽn tuyến vận chuyển ngũ cốc, đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón, làm dấy lên lo ngại về khủng hoảng lương thực toàn cầu. Hồi tháng 5, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) báo cáo giá lương thực toàn cầu đã tăng hơn 20% so với năm trước, trong đó giá ngũ cốc tăng 30%. Tình trạng này có thể “gây ra làn sóng đói kém chưa từng có”, đẩy 49 triệu người vào cảnh thiếu hụt lương thực.
Khi chiến sự kéo dài, người dân phương Tây sẽ trở nên mệt mỏi và muốn trở lại trạng thái bình thường trước xung đột. Ukraine lo ngại điều này vì nó đi kèm nguy cơ hỗ trợ quân sự và nhân đạo bị cắt giảm, khiến họ không còn sức chống đỡ trước ưu thế quân sự của Nga.
“Nếu cắt giảm viện trợ vũ khí cho Ukraine lúc này, Mỹ có nguy cơ phát thông điệp tới các đồng minh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rằng các cam kết của Washington hoàn toàn vô giá trị”, Neas nhấn mạnh.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết