Tại Huế, từng con đường, từng công trình, hay kể cả từng góc nhỏ, đều có những câu chuyện lịch sử đau thương.
Bởi một sự thật là người Huế đã mất mát, đã chết quá nhiều, bởi mảnh đất “Thần Kinh” này đã trải qua biến cố đau thương không biết bao nhiêu lần: Thất thủ kinh đô 1885, Vây hãm Huế 1946, Sự kiện Mậu Thân 1968, Mùa hè đỏ lửa năm 1972… biết bao người Huế đã chết, đã mất nhà cửa, người người chạy loạn, dẫm đạp lên nhau, vợ chồng ly tán.
Trong lịch sử, Huế tức Phú Xuân xưa là đất binh gia tranh giành: Thế kỷ 13 gọi là đất Ô Châu, Lý Châu do Vua Chiêm Thành Chế Mân lấy làm sính lễ cưới Huyền Trân công chúa nhà Trần. Sau này Vua Chiêm Chế Bồng Nga từ 1360/1380 thường xuyên đem quân tấn công Đại Việt nhằm đòi lại đất này. Thế kỷ 15 năm 1421 đất Tân Bình, Thuận Hoá còn là bãi chiến trường giữa quân Minh và Nghĩa Quân Lam Sơn do Tả Tư Đồ Trần Nguyên Hãn chỉ huy nữa. Rồi sau này nội chiến từ 1774/1802 vùng đất này liên tục đổi chủ: bị quân Trịnh do Quận Công Hoàng Ngũ Phúc chiếm năm 1775. Bị quân Tây Sơn do Quang Trung Hoàng Đế chiếm lại năm 1786, rồi đến năm 1802 lại quân Nguyễn do Vua Gia Long Nguyễn Ánh chiếm lại, thế lực nào cũng muốn kiểm soát vùng đất này.
Như Cầu Trường Tiền được xây dựng hơn 100 năm, là cây cầu nối liền hai bờ Bắc – Nam sông Hương, đã sập 3 lần trong lịch sử tồn tại của nó: Năm 1904, cơn bão dữ năm Thìn tiến vào đã phá hủy không biết bao nhiêu công trình lớn nhỏ và mạng người tại Huế, cầu Trường Tiền bị sập. Năm 1946 diễn ra cuộc vây hãm thành Huế giữa Việt Minh và Pháp, cầu bị đặt bom và sập. Và rồi năm 1968, dưới sự kiện mậu thân, cầu lại một lần nữa sập không thể sử dụng. Thiên tai hay chiến tranh, là cây cầu lại hứng chịu những thời khắc nghiệt ngã đó.
Những điều đó, những thời khắc đau thương đó lại càng khắc sâu vào tâm thức của người dân Huế.
Tại sao mẹ lại dặn con gái không được đi về quá khuya? Tại sao đi ra đường tối là không được xõa tóc dài?
Tại sao hầu như nhà nào ở Huế cũng có am thờ trước ngõ hay sân thượng?
Tại sao các thân cây lớn được thắp hương và khấn vái cầu nguyện?
Rõ ràng khi con người sống dưới sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nơi mà chó ăn đá, gà ăn sỏi, đất đai không màu mỡ như nhiều vùng miền khác, sáng nắng chiều mưa thất thường quanh năm suốt tháng, người ta phải gồng mình để tồn tại, bao bọc cho nhau. Rồi những sự biến cố của xã hội, của lịch sử cứ xảy ra đến cho Huế, nào ai được hay, nào ai biết trước điều gì.
Những con người vô tội, những con người sống với hy vọng vươn lên, một ngày nào đó do chiến tranh, thảm hoạ, bao nhiêu ước mơ hoài bão gầy dựng nên khó nhọc rồi chẳng còn lại gì. Rồi từ đó, khi con người không có chỗ dựa, không còn một điều gì hi vọng nữa, thì họ tin vào tâm linh, tin vào những đấng siêu nhiên sẽ cứu rỗi họ qua cơn hoạn nạn. Và sau cuối, tâm linh, thờ cúng là để khắc ghi những trang lịch sử, để cầu an cho những anh linh đã hi sinh cho dân tộc, cho đất nước.
LifeHub