Ở Nhật, người thuê nhà được hưởng nhiều quyền lợi. Chủ nhà không được tùy tiện tăng giá hay hủy hợp đồng với người ở thuê. Do đó, nhiều người dù có tiền cũng không muốn mua nhà mà chấp nhận ở thuê.
Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, bất động sản luôn ở trong tình trạng “sốt”. Đặc biệt ở các quốc gia châu Á, ngôi nhà còn được xem là thước đo để đánh giá sự ổn định của một người. Đó cũng là lý do tại sao mua nhà luôn nằm trong danh sách mục tiêu phấn đấu của nhiều người. Vậy mà ở Nhật Bản, người dân thường có xu hướng đi thuê nhà hơn mua nhà. Tại sao lại như vậy?
1. Không đủ khả năng mua nhà
Vì sao người trẻ Nhật chưa vội mua nhà?
Nhiều ý kiến cho rằng người Nhật thích sống trong những ngôi nhà nhỏ. Tuy nhiên trên thực tế, họ không phải là không muốn mua mà là không có khả năng mua.
Nhật Bản từng trải qua những cuộc khủng hoảng về đầu tư nhà đất. Từ năm 1985 đến năm 1990, giá nhà của một số thành phố Nhật Bản từ thấp đã tăng khoảng 200%, nhưng sau đó là thời kỳ “xì hơi” của quả bong bóng kinh tế và Nhật Bản bước vào “hai thập kỷ mất mát”.
Sau sự sụp đổ của bất động sản Nhật Bản, tại các khu vực đô thị như Tokyo và Osaka, nhu cầu về bất động sản của người Nhật giảm không đáng kể và luôn ở trạng thái không thay đổi.
Cho đến năm 2012, nhu cầu nhà ở bắt đầu tăng lên, giá nhà đất ở những nơi này cũng bắt đầu tăng theo. Dẫu vậy, nhu cầu bất động sản giảm mạnh ở các thành phố nhỏ, vùng nông thôn xa đô thị. Người dân chuyển đến các thành phố lớn nên nhu cầu mua nhà ở vùng quê cũng giảm mạnh.
Theo Sina, trong những năm gần đây, những người trung niên và người già trên 50 tuổi ở Nhật đã bán nhà và ô tô ở vùng ngoại ô để chuyển đến trung tâm thành phố. Điều này cũng đã đẩy giá nhà đất ở các khu vực đô thị của Nhật Bản tăng cao.
Theo trang wagaya-japan.com, số liệu năm 2019 về mức lương trung bình hàng năm ở Tokyo theo nhóm tuổi cho thấy nhóm người giàu nhất Nhật Bản là nhân viên văn phòng ở độ tuổi 50 với 8,829 triệu yên. Còn nhân viên văn phòng ở độ tuổi 20, 30 là nhóm có thu nhập thấp nhất với mức lương từ 3,351 – 5,884 triệu yên.
Trong khi đó, giá nhà đất ở khu vực trung tâm Nhật Bản luôn đắt đỏ. Bất động sản ở Tokyo luôn lọt top bất động sản đắt nhất thế giới và có biến động lớn theo từng năm.
Theo số liệu trang resources.realestate.co.jp, giá bán trung bình cho một căn hộ mới được bán ở khu vực đô thị Tokyo đạt 61 triệu yên (khoảng 423.000 USD). Do đó, có thể thấy rằng không phải người trẻ ở Nhật không muốn mua, mà họ chưa có khả năng cho điều đó.
Ngoài ra, người Nhật Bản không lo âu về nhà ở bởi họ không đặt nặng vấn đề phải mua nhà khi lập gia đình. Ở xứ sở hoa anh đào, khi những người trẻ tuổi kết hôn, họ không coi việc họ sở hữu bất động sản hay có khả năng mua bất động sản là tiêu chí quan trọng.
Theo số liệu khảo sát của Nhật Bản, tỷ lệ sở hữu nhà ở của người từ 20 đến 29 tuổi là 6,4%, của người từ 30 đến 39 tuổi là 35,7% và của người từ 40 đến 49 tuổi là 57,6%. Nói cách khác, tỷ lệ người Nhật mua nhà ở độ tuổi còn trẻ là rất thấp.
2. Thuê nhà tiết kiệm hơn
Người Nhật cho rằng thuê nhà tiết kiệm chi phí hơn mua nhà. Trong những năm gần đây, chất lượng nhà cho thuê ở Nhật Bản ngày càng tốt hơn. Dù là dành cho người độc thân hay cặp đôi, ngày càng có nhiều nhà cho thuê chất lượng cao. Những người dù chưa có đủ kinh tế để mua nhà cũng có thể có một cuộc sống lý tưởng.
Hơn nữa ở Nhật, mua nhà chưa chắc đã rẻ hơn thuê nhà. Người Nhật từng đặt ra một bài toán: mua nhà với khoản vay 35 triệu yên hay nhà cho thuê 120.000 yên mỗi tháng sẽ tiết kiệm chi phí hơn.
Sau khi xem xét và tính toán phí quản lý, phí sửa chữa, lãi suất cho vay… kết quả cho thấy phương án thuê nhà thực sự rẻ hơn. Đó cũng là lý do mà hầu hết các bạn trẻ Nhật không chọn mua nhà mà tiếp tục đi thuê nhà.
3. Thuê nhà ở Nhật rất an toàn và tiện lợi
Ở Nhật Bản, nhà cho thuê và nhà để bán về cơ bản được tách biệt. Hầu hết những ngôi nhà cho thuê đều được quản lý bởi các công ty trung gian chính thức. Vì vậy, những ngôi nhà dù có tuổi đời hàng chục năm vẫn rất sạch sẽ và ngăn nắp. Hơn nữa, tất cả các thủ tục ký kết và cho thuê đều đã được thỏa thuận kỹ càng.
Ở Nhật, chủ nhà không được hủy hợp đồng hay đuổi khách trọ vì đây được cho là hành vi vi phạm pháp luật. Sẽ không xảy ra tình trạng bị ép chuyển đi nên khách tới ở có thể yên tâm thuê lâu dài.
Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản có những chính sách ưu ái cho khách trọ, không cho phép chủ nhà tùy tiện tăng giá nhà cho thuê để bảo vệ nhóm người yếu thế. Do đó, nhiều người dù có tiền cũng không muốn mua nhà mà chấp nhận ở thuê vì quyền lợi của mình được đảm bảo.
Một lý do khác, tầng lớp lao động ở Nhật Bản thường không có công việc cố định mà hay thay đổi nơi làm việc. Do đó, việc mua cố định một căn nhà sẽ gây rất nhiều bất tiện. Khi ở thuê, họ sẽ có thể thoải mái lựa chọn địa điểm gần với chỗ làm để thuận tiện hơn cho công việc.
Người Nhật thường có suy nghĩ đầu tư vào cuộc sống tinh thần thay vì vật chất. Do đó, họ thường dành tiền cho các chuyến đi du lịch cùng gia đình, bạn bè hoặc quan tâm tới làm đẹp và chăm sóc sức khỏe hơn là góp nhặt từng đồng để đi mua nhà.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết